Tôi viết bài này sau đúng nửa năm đặt chân đến Thụy Điển. Quay trở lại cuộc sống sinh viên và tham gia các hoạt động ngoại khóa trong một môi trường hoàn toàn mới quả là thú vị. Kết thúc kỳ 1, tôi muốn chia sẻ 5 điều học được mà có thể bạn thấy hữu ích khi tìm hiểu về du học Thụy Điển.
Lưu ý: Bài viết về việc học tập tại trường ĐH Lund, Thụy Điển mang cảm nhận chủ quan của người viết.
1. Cuộc đua chỉ mới bắt đầu
Sinh viên Việt Nam phần lớn du học đều dựa vào học bổng hoặc hỗ trợ tài chính. Vì thế, nhiều bạn đã rất cố gắng để chạy đua giành “tấm vé vàng”. Tuy nhiên, khi bắt đầu nhập học, một cuộc đua mới lại bắt đầu. Tất cả sinh viên đều có chung điểm xuất phát và ai cũng cần cố gắng.
Bản thân tôi đến được Thụy Điển cũng là nhờ Học bổng Thạc sĩ của trường Lund. Khi nộp hồ sơ, nguyện vọng 1 của tôi có hơn 900 đối thủ. Số lượng sinh viên thực tế được nhận vào lớp là 39, đi học khoảng 30 người. Trong đó, có 2 bạn học bổng SI và tôi được Lund Global. Con số cạnh tranh ở học bổng SI tôi không năm rõ do năm ngoái mình trượt từ vòng loại. Với Lund Global Scholarship, hàng năm có khoảng 90-100 suất được trao cho tổng số 41.000 sinh viên.
Nói như vậy để thấy rằng những sinh viên ở đây đều trải qua một cuộc đua khốc liệt. Có thể những bạn trong khối EU ở gần vạch đích hơn so với sinh viên quốc tế. Tuy nhiên, đã bắt đầu tại Lund thì mọi sinh viên đều bình đẳng. Chúng ta không nên lấy quá khứ hay khó khăn cá nhân để ngụy biện cho những lúc chưa cố gắng. Ai cũng có lợi thế và bất lợi riêng. Cuộc đua mới bắt đầu mà đích đến (tạm thời) là ngày Tốt nghiệp.
2. Nói có sách, mách có chứng và thói quen đọc
Trong buổi gặp đầu tiên, thầy Trưởng khoa tôi nghiêm túc nhắc nhở sinh viên phải “hoài nghi tất cả”. Thầy đưa ra mức lương trung bình của người làm truyền thông sau khi tốt nghiệp, và cả lớp tin sái cổ mà không hề hỏi nguồn. Thầy nói rằng sẽ không ai trả lương như vậy cho một người nói nhăng cuội đâu.
Muốn “nói có sách, mách có chứng” thì phải đọc nhiều, làm nhiều. Không có đường tắt nào cả, vì chúng ta đều chưa phải vĩ nhân.
thầy h. – lund university
Vậy nên, môn nào cũng có trung bình 1200 trang tài liệu để sinh viên về đọc. Thú thật là tôi chưa bao giờ đọc được hết toàn bộ tài liệu, dù cố gắng lắm cũng chỉ được 80%. Một phần vì tôi đọc khá chậm, phần vì thi thoảng còn phải tìm thêm tài liệu bên ngoài để giải thích thêm. Chưa kể những cuốn giáo trình được viết rất nhiều tầng nghĩa, văn phong phức tạp, tôi không hiểu ngay được nếu không có nền tảng văn hóa.
Tuy nhiên
Không thể phủ nhận vẫn có những cá nhân xuất sắc, tư duy tốt nên học rất nhanh. Các bạn đừng so sánh bản thân mình với sinh viên xuất sắc và tạo áp lực bản thân. Mỗi người nên tìm ra cách học, đọc phù hợp nhất và đừng quên chơi, quên nghỉ nhé!
3. Lý thuyết và thực tế – bạn cần gì?
Nhiều sinh viên thường xuyên kêu ca, thậm chí quyết định bỏ học vì phải học nhiều lý thuyết quá. Điểm này tôi thấy các bạn sinh viên quốc tế kêu y như sinh viên Việt Nam. Các bạn luôn mong muốn được học cái gì thực tế, mà quên mất bản chất của trường Đại học là nghiên cứu. Nếu cần thực tế, va chạm trong môi trường làm việc, cách tốt nhất là đi làm.
Học Thạc sĩ là bước khởi đầu của nghiên cứu. Bạn học phương pháp, học lập luận để tự áp dụng vào thực tế hoặc phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học.
Bạn có thể tham khảo bài viết về việc học Đại học, Thạc sĩ, Tiến sĩ của The Present Writer
Không ai khác ngoài bạn có thể lấp đầy khoảng cách từ lý thuyết và thực tế. Với các nền tảng và mối quan tâm khác nhau, các bạn sẽ tỏa đi muôn nơi và làm các ngành nghề cực đa dạng. Vì vậy, hãy xác định đúng kỳ vọng khi quyết định học Thạc sĩ. Bạn cần lý thuyết hay thực hành?
4. Làm việc nhóm trong môi trường đa văn hóa
Ngày học ở Ngoại giao, tôi chưa gặp bất kỳ vấn đề nào liên quan đến làm việc nhóm. Tôi chủ động trao đổi, dễ dàng kết nối các thành viên và linh hoạt đổi vai trong nhóm. Khi du học, tôi nhận thấy môi trường đa văn hóa đòi hỏi kỹ năng làm việc nhóm cao hơn rất nhiều. Sau một kỳ học, tôi hiểu vì sao môn đầu tiên cần học ở đây là Intercultural Communication và Multicultural Communication.
Bạn nên:
> Tôn trọng đối phương
Có nhiều khác biệt văn hóa cần dung hòa khi làm nhóm. Nghe tưởng dễ nhưng thực tế rất nhiều sự việc nho nhỏ có thể khiến bạn mếch lòng. Nó có thể là cách bày tỏ ý kiến, quan điểm, tư tưởng. Cũng có thể là cách phân công công việc, đưa quyết định trong nhóm. Hãy hiểu rằng không ai có cùng một nền tẩng văn hóa với mình. Do đó, bạn không nên kỳ vọng người khác có cùng suy nghĩ hay quan điểm. Ngược lại, hãy học hỏi sự khác biệt, tìm tiếng nói chung và dung hòa các cá tính trong nhóm.
> Chủ động, thẳng thắn.
Khi làm nhóm, hãy đóng góp ý kiến, suy nghĩ của mình một cách chủ động. Nếu không đồng tình, bạn nên phải trao đổi thẳng thắn. Mâu thuẫn thường bắt nguồn từ việc “bằng mặt mà không bằng lòng”. Tôi từng làm nhóm cùng các thành viên cá tính rất mạnh. Ở cạnh họ, tôi đâm ra rụt rè, chẳng dám bày tỏ, dẫn đến không hiểu nhau và cãi nhau.
> Kêu gọi giúp đỡ khi cần
Các bạn sinh viên khác luôn sẵn lòng giúp đỡ khi mình cần. Tuy nhiên, bạn cầ hiểu rõ mình cần được giúp gì và hãy lên tiếng. Không nên mặc định người khác sẽ quan tâm cảm xúc, tâm lý của mình nếu mình không nói ra.
Ngày học ở Ngoại giao, tôi biết một vài bạn tỏ ra thiếu tôn trọng sinh viên ngoại tỉnh. Đến khi du học, tôi mới cảm nhận được điều này, nhất là khi mình không tự tin giao tiếp.
Lời khuyên của mình
Hãy chủ động làm việc với các nhóm bạn khác nhau. Đa dạng hóa thành phần của nhóm sẽ cho bạn nhiều kỹ năng giao tiếp, thế giới quan khác biệt. Đừng làm việc mãi với những người bạn thích, bởi “thích” là một từ rất cảm tính. Trong công việc, cảm tính là một cái bẫy an toàn đáng sợ.
5. Tự giác
Đi học ở ở Lund có rất nhiều cám dỗ, vì cuộc sống luôn đầy ắp những điều mới, những hoạt động sinh viên thú vị. Rộng hơn, tôi nghĩ sinh viên đi du học luôn có nhiều thứ hấp dẫn như vậy (như đi làm thêm, bạn mới, đi du lịch, …). Khoảng thời gian phấn khích, khám phá những điều mới có thể kéo dài đến vài tháng. Sau đó, giai đoạn khủng hoảng tới khi đồ thị thích nghi chạm xuống tận đáy, và dần chuyển sang trạng thái Thích-nghi-thật-sự.
Hãy tự giác vượt qua những cám dỗ để tận dụng tốt nhất thời gian du học. Nếu bạn đang là sinh viên của một trường Đại học uy tín bậc nhất Thụy Điển, đừng bỏ lỡ cơ hội nạp thật nhiều kiến thức hữu ích nhé!
Trên đây là 5 điều tôi học được sau kỳ học đầu tiên. Chúc các bạn có những trải nghiệm thú vị của riêng mình!
[…] 5 điều tôi học được sau kỳ Thạc sĩ đầu tiên […]