Khi tìm hiểu về du học, chắc bạn cũng từng ước ai đó sẽ chỉ cho mình biết nên bắt đầu từ đâu, tìm học bổng như thế nào. Các bạn luôn có cảm giác bị ngập lụt thông tin khi search “du học Thụy Điển” trên Google. Mình mách bạn 7 nguồn thông tin hữu ích để có thể tìm hiểu ngay nhé!
*Lưu ý: Khuyến khích các bạn tìm hiểu lần lượt theo thứ tự từ 1 đến 7 trong danh sách này.
1. Study in Sweden website
Study in Sweden là trang thông tin chính thức về giáo dục của Thụy Điển (dành cho sinh viên quốc tế muốn đến học tại đất nước này). Ở đây bạn có thể tìm thấy những chương trình học theo cấp bậc mà mình mong muốn (Đại học, Thạc sĩ, PHD), lên kế hoạch cho việc du học (quy trình nộp hồ sơ, chi phí, học bổng) hay chuẩn bị cho việc đặt chân lên đất nước này (thẻ cư trú & visa, nhà ở, bảo hiểm, học tiếng Thụy Điển, làm việc hay thực tập).
Ngoài ra, trang này cũng có phần Blog của các Đại sứ Sinh viên (Student Ambassador). Các bạn sẽ chia sẻ thông tin hữu ích đến từ các trường Đại học trên toàn Thụy Điển. Các bạn có thể chọn trường hoặc chủ đề mình muốn tìm hiểu để đọc thêm. Nếu bạn nào muốn tìm hiểu trường Lund, hãy tham khảo trang blog này.
Với mình, đây là một kênh thực sự toàn diện và đầy đủ về du học Thụy Điển. Đặc biệt, đối với bậc học Thạc sĩ, chỉ cần bạn đọc hết nội dung của trang này là bạn đã nắm 90% thông tin cần thiết rồi. Một mẹo nhỏ là nếu bạn đang tìm du học các nước khác, bạn cũng có thể search từ khóa study in + tên nước để tìm được nguồn thông tin chính thức nhé. VD: du học Đức, du học Hà Lan, du học Bỉ, du học Đan Mạch
2. Website các trường Đại học tại Thụy Điển
Sau khi có được thông tin tổng quát, hãy tìm hiểu cụ thể hơn về ngôi trường mình muốn apply. Website các trường Đại học sẽ cho bạn biết chi tiết hơn về chương trình học, giảng viên, campus, học bổng của trường, và rất nhiều thông tin khác mà bạn không ngờ tới.
Hồi mình nộp hồ sơ, mình đã đọc rất nhiều nguồn Study in Sweden và website Lund University. Mình cũng khuyên các bạn nên bắt đầu với 2 nguồn chính thống này nhé!
Tìm hiểu thêm: Stockholm University, Gothenburg University, Uppsala University
3. Các trang web săn học bổng uy tín
Sau hai cổng thông tin chính thức, hãy ghé các nguồn thông tin cộng đồng nhưng hữu ích không kém. Đầu tiên phải kể đến những trang web tổng hợp thông tin, săn học bổng. Mình chỉ giới thiệu 2 trang mà mình biết và tin tưởng là: Opportunity Hunting và Nguồn Học Bổng. Ngoài ra có nhóm Scholarship Hunters mình thấy cũng khá active.
Các bạn có thể comment thêm những trang săn học bổng hữu ích trong phần comment nhé!
4. Các trang blog về Thụy Điển
Blog không phải kênh thông tin chính thức nhưng lại là nguồn thông tin rất “insightful” nếu bạn xác định được cụ thể bạn muốn gì, học ở đâu trong khoảng thời gian nào. Điểm hạn chế của các blog du học cũng bắt nguồn từ điểm mạnh kể trên. Đó là trải nghiệm thật của tác giả chỉ mang tính cá nhân trong một phạm vi nhỏ nhất định. Bạn có thể tham khảo nhưng không nên lấy đó làm cơ sở thông tin. Điều này mình cũng đã viết rất rõ khi giới thiệu về Fall in Fika.
Có lẽ vì tình yêu với Thụy Điển mà khá nhiều du học sinh viết blog về đất nước này. Trang Fall in Fika là một ví dụ, bạn có thể tìm thấy các bài viết về lối sống, học tập, cơ hội học bổng, và một số trải nghiệm cá nhân liên quan đến Thụy Điển. Ngoài Fall in Fika, các bạn có thể tham khảo thêm Travelling Kat – một cây viết từ Hoa Học Trò mà mình rất yêu thích. Chị cũng là dịch giả của nhiều cuốn sách về Thụy Điển.
5. Các nhóm cộng đồng sinh viên
Không thể bỏ qua các cộng đồng mạng xã hội, trong đó Cộng đồng du học sinh Thụy Điển đang là nhóm active nhất. Cộng đồng này do start-up Ella Study Vietnam khởi tạo. Thật vui vì founder của Ella cũng chính là một cựu sinh viên Thụy Điển – vì thất tình mà đã chọn du học ở đất nước Bắc Âu xa tít tắp mù khơi. Ngoài ra, nếu bạn biết chính xác mình định đến học ỏ trường nào, thành phố nào, bạn có thể search thử tên cộng đồng sinh viên Việt Nam tại (tên trường/ tên thành phố) đó. Tuy nhiên, theo quan sát của cá nhân mình, các group nhỏ này hoạt động không hiệu quả lắm.
6. Sự kiện của Đại sứ quán
Hết các nguồn tin tức online sẽ đến nguồn offline. Hàng năm, Đại sứ quán Thụy Điển đều tổ chức sự kiện Study in Sweden tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Tại đây, các trường đại học ở Thụy Điển sẽ giới thiệu và giải đáp thắc mắc về trường. Với mình, đây là kênh thông tin trực tiếp rất hữu ích bởi các bạn sẽ được trực tiếp đặt câu hỏi cho những đại diện tuyển sinh từ trường ĐH. Họ sẽ hiểu về chương trình học và tư vấn tốt nhất cho bạn theo từng năm.
Đây cũng chính là nguồn thông tin đầu tiên mà mình biết đến du học Thụy Điển. Bạn có thể đọc thêm về sự kiện đó tại đây. Do tình hình Covid-19 phức tạp nên sự kiện năm 2020 sẽ được tổ chức trực tuyến.
7. Liên hệ cá nhân
Cuối cùng, sau khi tìm hiểu tất cả các nguồn thông tin trên mà bạn vẫn còn chút băn khoăn, bạn có thể liên hệ với các cựu sinh viên để hỏi thêm. Tuy nhiên, mình nhẫn mạnh rằng các bạn nên đọc kỹ các nguồn ở trên trước khi tiếp cận một cá nhân nào vì 6 nguồn trên đã rất đầy đủ và chính xác rồi. Bạn có thể cảm giác yên tâm và tin tưởng hơn khi hỏi riêng một người nào đó nhưng thực tế thì, như mình đã chia sẻ, trải nghiệm cá nhân của mỗi người là rất khác nhau. Do vậy, việc bạn hỏi người đã học cách đây vài năm sẽ không chính xác bằng hỏi đại diện trường đâu.
Trên đây là 7 nguồn tin cậy để tìm hiểu về du học Thụy Điển. Các bạn nên tìm hiểu lần lượt từ 1 đến 7 nhé. Hi vọng rằng với những nguồn này, bạn sẽ có đủ những hiểu biết cần thiết trước khi nộp hồ sơ. Chúc bạn thành công.
Phuong Ha says
Cảm ơn chị vì đã dành thời gian để tạo ra blog và viết những bài viết thực sự rất có ý nghĩa. Luôn ủng hộ chị!
Fall in Fika says
Cảm ơn những độc giả như Phương luôn dành thời gian và tình cảm cho Fall in Fika <3