Bài viết này thuộc tuyển tập ‘Tôi nói về Du học Thụy Điển‘ được đăng trên Fall in Fika do nhiều tác giả thực hiện. Chân thành cảm ơn các tác giả và Mạng lưới cựu sinh viên Thụy Điển tại Việt Nam.
Hình thức, thời gian nộp hồ sơ cho học bổng trong bài chỉ áp dụng cho năm mà tác giả apply học bổng. Để biết thông tin chính xác về học bổng SI, vui lòng truy cập Study in Sweden.
You are a dream come true for me
Goran Broman
(Các bạn chính là giấc mơ thành hiện thực của tôi).
Đây là lời mà thầy Goran Broman, người sáng lập ra chương trình Thạc sĩ tôi theo học, nói vào buổi đầu tiên của năm học mới.
Rời khỏi Hà Nội, tôi đi gần 8000km đến Thụy Điển để quay lại ghế nhà trường. Sau ba năm đi làm, tôi quyết định theo học chương trình Master’s in Strategic Leadership towards Sustainability (MSLS). Tôi tạm dịch là Thạc sĩ ngành Lãnh đạo Chiến lược hướng tới Bền vững. Chương trình dạy tại trường Blekinge Technical Institute (BTH) ở Karlskrona, một thành phố nhỏ phía nam Thụy Điển.
Quay trở lại với Thầy Goran, một người sắc sảo với vẻ ngoài trẻ hơn tuổi thực. Trong buổi lên lớp đầu tiên, thầy chia sẻ về con đường hình thành và phát triển của chương trình MSLS. Thầy kể mặc dù xuất phát điểm là dân học kỹ thuật nhưng thầy rất quan tâm đến môi trường. Khi trưởng thành và hiểu hơn về cuộc sống, thầy nhận thấy có nhiều vấn đề trong hướng phát triển của nhân loại hiện nay. Các thế hệ sau đang phải đối mặt với vô vàn thách thức để lại từ lối sống thiếu suy nghĩ của các thế hệ trước. Chúng ta cần nỗ lực rất nhiều để đảm bảo tương lai cho chính mình và con cháu sau này.
Đó là lý do thầy cùng các đồng nghiệp sáng tạo ra chương trình MSLS. Thầy Goran, mặc dù rất bận rộn và hôm đó còn bị cảm cúm, vẫn đích thân đến chào đón và cảm ơn cả lớp trước khi bắt đầu chương trình.
Thầy giải thích rằng việc chúng tôi sẵn sàng bỏ ra 1 năm cuộc đời mình để đến một nơi xa xôi như Thụy Điển, tìm hiểu và đối mặt với những sự thật khó khăn chính là giấc mơ thành hiện thực đối với thầy.
1. Vì sao tôi chọn du học Thạc sĩ ngành Phát triển Bền vững tại Thụy Điển
Có thể nói bền vững là một trong những chủ đề nhiều người biết nhưng ít ai thật sự hiểu. Vậy sống bền vững nghĩa là gì? Thế nào là phát triển bền vững? Đây cũng là những câu hỏi tôi đã ấp ủ từ lâu. Tôi quyết tâm đi học đề hiểu và làm về phát triển bền vững.
1.1. Một ngành hoàn toàn mới
Thú thật, một phần là do tôi thích ngược đời. Nghe thấy ai bảo điều gì là lạ, đầu tôi lập tức thôi thúc nói…LÀM ĐI. Khi tôi chia sẻ việc đi học ngành bền vững với một số bạn của mình ở Việt Nam, họ nhìn tôi với con mắt đầy hoài nghi. Chắc hẳn đây không phải ngành “hot” mà mọi người thường nghĩ đến khi đi du học Thạc sĩ. So với Quản trị Kinh doanh, Y học hay Tài chính, Phát triển bền vững nghe chừng thật khó kiếm việc và kiếm tiền. Phần khác là do trải nghiệm sống ở Việt Nam của tôi. Bên cạnh rất nhiều điều tuyệt vời, đôi lúc tôi cũng gặp những điều bức xúc hàng ngày liên quan đến chủ đề này.
1.2. Cú shock khi trở về Việt Nam
Tôi sinh ra trong một gia đình có nền tảng giáo dục tốt. Cả bố mẹ tôi đều là Tiến Sĩ và Thạc Sĩ từ những trường Đại học danh giá trên thế giới. Họ từng đi học và làm việc ở nhiều quốc gia. Bố tôi luôn nhấn mạnh việc phải học và có bằng cấp cao thì xã hội mới tôn trọng. Bản thân tôi luôn cảm thấy có gì đó sai sai ở cách suy nghĩ này. Liệu chúng ta học để lấy mấy tờ giấy làm oai hay học để trở thành một người tốt hơn?
Đối với tôi, việc sống ở nước ngoài không phải là một điều quá lạ. Tôi từng sống ở Phần Lan và Ý khoảng 10 năm. Sau khi tốt nghiệp cử nhân ở Phần Lan, tôi quyết định quay về Việt Nam để kết nối lại với quê hương. Thú thật, viết bài này bằng tiếng Việt cũng là một thử thách lớn với bản thân tôi. Trở lại Hà Nội sau nhiều năm, ấn tượng đầu tiên của tôi là sự phát triển chóng mặt của thành phố. Tôi gần như không còn nhận ra nơi mình được sinh ra nữa.
Sau 20 năm đổi mới, thì gần như thứ gì nước ngoài có thì giờ đây ở ta cũng có thể tìm thấy ở Việt Nam.
Sự phấn khởi nhanh chóng trở thành sự thất vọng. Thứ đập vào mắt tôi đầu tiên là các tòa nhà cao tầng hoành tráng. Điều thứ hai đập vào…mũi tôi là khói bụi, ô nhiễm đến ngạt thở của Hà Nội. Phải chăng đây là “văn minh” đô thị? Các thế hệ sau có nhiều bê tông hơn còn thiên nhiên và không khí trong lành thì ít đi. Chúng ta đã lỡ đánh mất cái gì cho sự phát triển? Đó có phải sự phát triển thực sự?
Tôi ấp ủ mong muốn tìm một con đường phát triển khác cho xã hội.
1.3. Con đường du học Thụy Điển
Một ngày đẹp trời, Narayan, người bạn Brazil ở Hà Nội, mời tôi tham gia sự kiện Art of Hosting. Đây là một sự kiện cộng đồng phi lợi nhuận giúp phát triển khả năng participatory leadership, một phương pháp lãnh đạo qua các cuộc hội thoại.
Tại đây, tôi phát hiện ra một thế giới mới mà tôi chưa từng biết đến. Tôi gặp rất nhiều người truyền cảm hứng. Một trong số đó là cô Tracy, người từng làm điều hành chương trình MSLS. Sau khi nghe tôi chia sẻ trải nghiệm từ Phần Lan về Việt Nam, cô ấy nói rằng MSLS rất phù hợp với điều tôi đang tìm kiếm. Nếu tôi đăng ký học, cô ấy sẵn sàng viết thư giới thiệu. Nhờ có lời động viên và giới thiệu này, tôi đã đăng ký đi học Thạc sĩ tại Thụy Điển và may mắn giành học bổng toàn phần từ Swedish Institute.
1.4. Mong muốn ‘tìm đường cứu nước’
Trong 2 tháng đầu tiên, lớp tôi nói rất nhiều về những vấn đề nổi cộm trên thế giới. Điển hình là tình trạng gia tăng dân số toàn cầu và tài nguyên thiên nhiên bị cạn kiệt đến tận cùng bởi nhu cầu vô hạn của con người. Hậu quả mà thế giới đang đối mặt là tình trạng biến đổi khí hậu. Nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng lên rất nhanh. Các hiện tượng thời tiết cực đoan cũng như thiên tai ngày càng nhiều và khó dự đoán. Nhiều quốc gia trên thế giới phải vật lộn giải quyết hậu quả của tình trạng nước biển dâng cao gây ngập mặn.
Về mặt xã hội, tuy con người đang giàu có hơn bao giờ hết về của cải vật chất, nhưng đời sống ở nhiều nơi còn thiếu công bằng. Nhiều người bị tước mất quyền tự do ngôn luận và tiếp cận thông tin. Nạn tham nhũng và lộng quyền hoành hành, cản trở người ta có một cuộc sống tử tế. Các điều trên là xu hướng chung của nhiều quốc gia trên thế giới. Việt Nam cũng là một trong những nước chịu hậu quả nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Vì vậy, nói cho cùng thì việc bản thân lựa chọn đi du học về ngành Bền vững còn có tí máu “tìm đường cứu nước” trong tôi.
2. Cuộc sống và con người Thụy Điển
Ấn tượng đầu tiên của tôi về Thụy Điển là một nước xanh, sạch và quy củ. Nếu nhìn qua một môi trường như vậy, bạn sẽ cảm thấy rất yên bình, chẳng phải lo lắng gì. Chẳng phải mình đang sống ở một trong những nước hàng đầu thế giới về xây dựng xã hội công bằng và thân thiện với môi trường hay sao? Mặc dù vậy, các thầy và bạn bè Thụy Điển của tôi vẫn cho rằng họ làm chưa đủ tốt. Họ mong muốn xây dựng một xã hội bền vững cho các thế hệ sau. Điều gì khiến họ phải khổ tâm dằn vặt bản thân đến vậy?
Khi bắt đầu giao tiếp và hiểu hơn về con người Thụy Điển, tôi cảm nhận được mỗi người đều có ý thức vì cộng đồng rất cao. Cùng với đó là sự tin tưởng và sự tôn trọng lẫn nhau. Họ có thể an tâm để xe đạp ngoài đường không cần khóa. Nếu làm rơi ví, việc tìm lại ví nguyên vẹn với toàn bộ số tiền là hoàn toàn có thể. Khi tiếp cận các dịch vụ công, thái độ của những cán bộ công quyền luôn là khiêm tốn. Họ chịu lắng nghe và động viên mọi người chia sẻ quan điểm của mình cho dù có thể nó không dễ nghe chút nào.
2.1. Niềm tin và văn hóa trường học
Điều này cũng được phản ánh rõ nét trong văn hóa của trường tôi.
Về cơ sở vật chất, trường có các phòng thí nghiệm được trang bị những công nghệ hiện đại nhất. Có thể kể đến máy in 3D, phòng nghiên cứu trí thông minh nhân tạo, xưởng làm gỗ, thép, điện máy. Tất cả các phòng thí nghiệm đều mở cửa tự do cho mọi sinh viên sử dụng.
Với tôi, thứ quý giá nhất mà trường mang lại không phải là cơ sở vật chất hiện đại. Đó là văn hóa tin cậy và sẵn sàng chia sẻ của mọi người nơi đây. Dù trong những phòng thí nghiệm luôn có nhiều máy móc trị giá lên tới 20-40,000 USD, các thầy cô vẫn rất tin tưởng trao quyền quản lý cho sinh viên. Có lẽ nhờ vậy mà các bạn sinh viên có ý thức rất cao trong việc sử dụng và giữ gìn các trang thiết bị của trường.
2.2. Môi trường nuôi dưỡng trí tò mò: thầy cô dạy ít, học sinh tự đặt và tìm câu hỏi
Việt Nam ta có câu “không thầy đố mày làm nên”. Trong lớp học của chúng tôi, các thầy cô lại có góc nhìn ngược lại. Quá nhiều thời gian nghe giảng sẽ cản trở việc hiểu thật sự của sinh viên. Thầy cô luôn nhấn mạnh họ không phải là những người có kiến thức đúng tuyệt đối. Nhiệm vụ của họ là người dẫn dắt, tạo điều kiện cho chúng tôi tự đặt câu hỏi và tìm ra câu trả lời của riêng mình. Họ gần gũi với chúng tôi như những người bạn, luôn cởi mở khuyến khích chúng tôi phản biện lại những điều chưa hợp lý. Thi thoảng, mọi người lại rủ nhau đi fika để làm việc hoặc tâm sự việc trong và ngoài lớp.
2.3. Học trong môi trường đa văn hóa
Lớp tôi có 48 bạn đến từ 27 quốc gia thuộc đủ 5 châu lục trên thế giới. Độ tuổi trải dài từ 23 tới 54. Đây là nhóm đa dạng về văn hóa lớn nhất tôi từng được học cùng. Trong các tiết học, thầy cô luôn nhấn mạnh giá trị của việc học hỏi từ quan điểm và kiến thức của các bạn trong lớp. Các tiết học được thiết kế “phá cách” so với kiểu học truyền thống để khuyến khích chúng tôi tương tác và tự tìm tòi. Học không nhất thiết phải có bàn ghế. Đôi khi chúng tôi ngồi bệt xuống đất để lắng nghe nhau.
Chúng tôi không còn những bài giảng “ru ngủ” mà đa số là các cuộc thảo luận, nghiên cứu. Tôi và các bạn trong lớp được lắng nghe và chia sẻ về những chủ đề đa chiều. Ví dụ như kinh tế, biến đổi khí hậu hay khoa học phức hợp (complexity science).
Thực sự, việc học tập trong môi trường đa dạng với không gian trao đổi liên tục và cởi mở đã giúp tôi phát triển bản thân rất nhiều.
Đọc tiếp: Du học Thụy Điển – Con đường từ “biết” đến “thấu hiểu” (Phần 2)
Tác giả: Nguyễn Tuấn Lương – Thạc sĩ trường BTH, Thụy Điển
Hiệu chỉnh: Fall in Fika
[…] Đọc Du học Thụy Điển – Con đường từ “biết” đến “thấu hiểu” (Phần 1). […]