Tôi tình cờ gặp anh Tuấn Linh tại Thụy Điển. Một chàng trai Bách Khoa chính hiệu, hiền lành, chân chất và đang…yêu xa. Bài viết này, anh chia sẻ về những thay đổi lớn khi giành được học bổng SI. Bài viết thuộc tuyển tập ‘Tôi nói về Du học Thụy Điển‘ được đăng trên Fall in Fika do nhiều tác giả thực hiện. Chân thành cảm ơn các tác giả và Mạng lưới cựu sinh viên Thụy Điển tại Việt Nam.
Hình thức, thời gian nộp hồ sơ cho học bổng trong bài chỉ áp dụng cho năm mà tác giả apply học bổng. Để biết thông tin chính xác về học bổng SI, vui lòng truy cập Study in Sweden.
Chào các bạn,
Mình là Tuấn Linh, sinh năm 1992 và là cựu SI 2017-2019. Mình hoàn thành bậc Thạc sĩ Biomedical Engineering tại trường Chalmers, Thụy Điển và hiện đang làm việc tại thành phố Gothenburg.
Chân dung mình khi apply học bổng
- Mình tốt nghiệp Đại học Bách Khoa Hà Nội (năm 2015) chuyên ngành điện tử viễn thông.
- Điểm mạnh khi xin học bổng
Thành tích học tập tốt. Mình tốt nghiệp xuất sắc lớp kỹ sư tài năng và đã tham gia viết 2 bài báo khoa học quốc tế. - Điểm yếu khi xin học bổng
Ít tham gia các hoạt động xã hội, không có nhiều đóng góp cụ thể cho tập thể, cộng đồng.
Tại sao mình chọn Thụy Điển và học bổng SI
Lúc xác định đi học, mình chọn ngành là chính chứ không chọn nước. Mình muốn học Biomedical Engineering và chỉ săn tìm học bổng toàn phần. Thụy Điển và SI đáp ứng tiêu chí này nên mình nộp. Lúc đó mình nghĩ thủ tục đơn giản, không mất phí mấy, tội gì không nộp. Đến giờ nghĩ lại, mình thấy thật may mắn vì đã quyết định nộp hồ sơ, được học bổng, đi học và làm việc bên này. Trích thư tình mình gửi cho “gấu”, ở đây “mùa xuân anh đào nở, mùa hè mát rười rượi, mùa thu lá vàng rơi và mùa đông tuyết trắng xóa“. Thích phải không?
Nguồn thông tin về học bổng
Thời điểm nộp hồ sơ, mình chủ yếu tìm thông tin trên website chính thức của học bổng SI. Mình thấy thông tin ở đây khá đầy đủ, các bạn chịu khó đọc kỹ chút sẽ ổn. Nếu không thấy ổn thì các bạn có thể hỏi trực tiếp SI hoặc các anh, chị em cựu SI.
Tiêu chí của học bổng & Cách viết đơn
Thú thực mình cũng không biết chính xác tại sao mình được chọn, và mình nghĩ SI holder nào cũng vậy. Ý kiến của mình ở đây chủ yếu là chia sẻ cá nhân để bạn tham khảo.
1. Tiêu chí bắt buộc – vòng gửi xe
Học bổng SI có một số tiêu chí bắt buộc. Ví dụ, để có học bổng tất nhiên bạn phải được trường nhận học. Ngành mình chọn cần ở trong danh sách ngành được nhận học bổng SI. Ngoài ra, mình cũng cần 3000 giờ kinh nghiệm làm việc (tính cả part time lẫn full time). Những tiêu chí này phải đáp ứng được để qua vòng gửi xe.
Bạn có thể đọc thêm bài Tổng quan về học bổng SI.
2. Tiêu chí chính – cuộc chiến top 10
Tiêu chí của học bổng có thể thay đổi theo từng năm. Năm của mình là Leadership, các bạn có thể tìm trên website của học bổng tiêu chí của năm mình ứng tuyển.
“We are looking for ambitious professionals who want to make a difference by working with issues that contribute to sustainable development in their home country and region; and also have a clear idea of how a study programme in Sweden would benefit their country and region. Priority will be given to applicants with a strong and relevant professional background and demonstrated leadership experience.”
Đây là đoạn trích mô tả tiêu chí học bổng SI. Trong đơn xin học bổng (motivation leter và LOR), SI thường sẽ hỏi các câu hỏi xoay quanh tiêu chí lựa chọn như leadership chẳng hạn. Bạn nào viết câu trả lời hay và cảm xúc thì sẽ được chọn thôi. Đùa đấy, mình viết văn dở ẹc mà vẫn được chọn cơ mà.
Cách của mình
Mình viết chủ yếu dựa trên logic được xây dựng từ yêu cầu của học bổng. Ví dụ yêu cầu ở trên, mình sẽ cố gắng chứng minh mình là người có năng lực về lĩnh vực A. Cụ thể, mình đã đóng góp được việc X vào sự phát triển của lĩnh vực A tại Việt Nam. Mình cần phát triển thêm mảng A1 trong lĩnh vực A thông qua việc đi học tại Thụy Điển. Sau khi đi học Thạc sỹ, mình có thể đóng góp việc Y cho lĩnh vực A tại Việt Nam. Kế hoạch càng chi tiết càng tốt. Túm lại hãy làm nổi bật năng lực, kế hoạch và tinh thần cộng đồng của bạn.
Khó khăn trong quá trình làm hồ sơ?
Điều khó khăn duy nhất mình gặp phải là chứng minh 3000 giờ làm việc. Học bổng yêu cầu mình phải có đóng dấu xác nhận của đơn vị mình từng làm việc. Mình làm part time (không lương) tại phòng lab của trường nên cần xin dấu của Viện. Tuy nhiên, Viện lại không có kiểu đóng dấu vào mấy form của SI. May cho mình, mấy thầy dễ tính và support sinh viên đi xin học bổng nên mọi việc suôn sẻ .
Giành được học bổng SI là ngã rẽ cuộc đời
Trải nghiệm
Mình dân nhà quê. Mình chưa đi nước ngoài bao giờ cho đến khi nhận được học bổng SI và sang Thụy Điển. Sang bên đó như kiểu đây là đâu tôi là ai (cười). May được mấy anh, chị bên Thụy Điển chăm nom, giúp đỡ nên giờ đỡ quê hơn rồi. Mình cũng không biết miêu tả sao nhưng suy nghĩ và quan điểm sống của mình đã thay đổi rất nhiều.
Bạn bè và các mối quan hệ xã hội
Mình là đứa ít giao du, ít nói. Số bạn quốc tế mình chơi cùng cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Với mình như vậy là vừa đủ. Chất lượng quan trọng hơn số lượng. Công việc mình đang làm bên này cũng chính nhờ một trong số những “đầu ngón tay” giới thiệu cho mình đấy.
Tiền
Hồi mình đi học, SI chỉ cho 9000 SEK/tháng. Giờ các bạn được tăng lên tận 10000 SEK, tiền quá nhiều luôn. Trung bình ăn ở kiểu sinh viên cũng chỉ hết tầm 5-6k SEK. Sau 2 năm đi học mình tiết kiệm được tầm 40k SEK (100 củ lận hehe).
Tình
Tình này là tình cảm, tình yêu.
Đầu tiên là tình cảm gia đình. Xa nhà, tết không về được, thi thoảng cũng hơi buồn. Bù lại, anh chị em Việt Nam bên này sống tình cảm lắm. Thi thoảng mọi người rủ nhau tụ tập ăn uống, chơi bời các kiểu. Cận Tết mình còn được học cách gói bánh chưng kiểu xa xứ thiếu thốn.
Thứ hai là tình yêu. Mình và gấu yêu nhau được tầm 1.5 năm thì mình đi du học. Yêu xa lúc đầu hơi khó khăn chút, nhưng nếu cả hai biết quan tâm chia sẻ thì sẽ tốt đẹp thôi. Thoắt cái, sắp tới bọn mình sắp kỷ niệm 5 năm yêu nhau rồi. Nếu không tại con Covid thì chắc giờ này không còn gọi là gấu nữa rồi.
Chia sẻ ngắn gọn vậy thôi. Chúc bạn thành công nhé!
Tác giả: Nguyễn Tuấn Linh – Thạc sĩ trường Chalmers, Thụy Điển
Hiệu chỉnh: Fall in Fika
[…] Học bổng SI và du học Thụy Điển đã thay đổi mình như thế nào […]