Listening là kỹ năng cơ bản đầu tiên mà bất kỳ ai học ngoại ngữ đều cần tiếp xúc. Trước khi đi du học Thụy Điển, mình đã có 4 năm học tiếng Anh chuyên ngành rất nặng ở Học viện Ngoại giao. Trong đó, Listening là môn học ám ảnh mình nhất.
Vì sao mình sợ học Listening?
Tuy được học tiếng Anh từ cấp 1, nhưng mình không được học một cách khoa học. Trường tiểu học của mình chỉ là một ngôi trường nhỏ bình thường nên cách dạy của những năm 99-2000 vẫn rất lạc hậu. Thầy cô cho viết bảng và đọc vẹt theo. Mặt chữ nhất định phải nhớ, ngữ pháp bắt buộc phải thuộc để viết câu. Cách phát âm thường không chuẩn và nguồn nghe tiếng Anh bản địa hoàn toàn không có.
Lên cấp 2, mình bắt đầu được nghe băng cát-sét (cassette). Âm thanh trong chiếc băng rè rè nghe như máy sinh tố. Mình có thể nghe và thuộc lời bài Happy New Year dù không hiểu gì trên băng nhạc của bố mẹ, nhưng tuyệt nhiên không nghe được hội thoại trong băng cát-sét. Lên cấp 3, mục đích ôn thi Đại học cũng hạn chế tất cả những cơ hội học nghe. Tụi mình học ngữ pháp như máy, nhưng chẳng mấy đứa thực sự xem phim không cần subtitle.
Mình thi đỗ Học viện Ngoại giao. Mọi sinh viên đều được yêu cầu học tiếng Anh chuyên ngành chính trị. Do vậy, mình có ít nhất 1 tiết Listening chuyên ngành mỗi tuần. Nội dung của môn này là nghe tin thời sự, tin chính trị thế giới và trong nước. Thú thật, đây là môn học đáng sợ nhất trong 4 năm học ở Ngoại giao. Càng cố gắng nghe, mình càng thấy người ta nói nhanh. Mọi thứ cứ trôi tuồn tuột từ tai này qua tai kia, chỉ còn lại trong não tiếng rè rè.
Nên học ngoại ngữ như thế nào?
Khi học một ngoại ngữ, bạn thường nghe tới 4 kỹ năng: Nghe – Nói – Đọc – Viết. Không phải ngẫu nhiên các kỹ năng này được xếp theo thứ tự như vậy đâu.
Hãy tưởng tượng một đứa trẻ mới chào đời, chúng sẽ học một ngôn ngữ (tiếng mẹ đẻ) như thế nào? Hiển nhiên, đứa bé sẽ phải lắng nghe những âm thanh xung quanh. Khi hiểu được một số từ ngắn, mệnh lệnh đơn giản, đứa bé mới bắt đầu bập bẹ nói những từ đầu tiên. Dần dần, khi bé hiểu được cách giao tiếp qua nghe nói, bé mới học mặt chữ, các đọc, cách viết.
Đây là cách tiếng mẹ đẻ được hình thành, cũng là cách yêu thích của mình khi học một ngoại ngữ.
Listening – Kỹ năng thụ động đòi hỏi sự chủ động
Nghe là kỹ năng thụ động, nghĩa là bạn chỉ tiếp nhận mà chưa phải chủ động tạo ra ngôn ngữ. Tuy nhiên, đây là kỹ năng đòi hỏi bạn có sự chủ động nhất định. Vì sao?
Sự khác nhau giữa Listen và Hear
Trong tiếng Anh, có hai động từ cùng có nghĩa là nghe, đó là (to) Listen và (to) Hear.
To Hear nghĩa là bạn nghe thấy âm thanh, tiếng động nhưng có thể không cần hiểu và phân tích.
To Listen nghĩa là bạn lắng nghe có chủ đích, tiếp nhận thông tin và hiểu thông tin.
Ví dụ: bạn ngồi học trong lớp, bạn có thể nghe thấy tiếng chim hót, nghe thấy tiếng quạt trần chạy vù vù. Đó là “hear”. Nhưng nếu bạn tập trung nghe giảng thì những âm thanh kia chỉ là âm nền, bởi âm thanh chính được tiếp nhận là lời thầy cô đang dạy. Lúc đó bạn đang listen.
Như vậy, khi học kỹ năng Listening, bạn phải có sự chủ động tiếp nhận, phân tích và hiểu thông tin. Nếu bạn không tập trung, những âm thanh cần listen sẽ chỉ được tiếp nhận ở dạng hear mà thôi.
Học Listening như thế nào?
Mình đã thử rất nhiều phương pháp học Listening. Ví dụ:
- Nghe đi nghe lại một đoạn đến khi hiểu (Repetitive Method)
- 30 phút nghe thụ động (Passive Listening/ Showering)
- Tập nghe trước khi ngủ (Listening as you Sleep)
- Nghe đọc song song (Read-Listening)
- Thử nghe nhiều giọng khác nhau (Different accents)
- Đoán trước khi nghe (Prepared-listening)
- Xem phim/ Nghe nhạc (Entertainment)
Thành thật mà nói, phương pháp phù hợp với người này chưa chắc đã phù hợp với người khác. Mình thử nhiều vì cũng vật vã với môn Listening tại Học viện Ngoại giao, nhưng cũng thất bại nhiều. Vốn dĩ một người học kém tiếng Anh, không có năng khiếu ngoại ngữ lắm, sẽ rất khó bắt nhịp với các cách thức này. Điều mình cần khi bắt đầu học nghe là nghe với tốc độ thật chậm và có chỉ dẫn.
Bạn có thể thử cách phương pháp học Listening khác nhau để biết bản thân phù hợp với cách nào. Trong phần sau của bài viết, mình sẽ chia sẻ kỹ hơn về phương pháp nghe chậm có chỉ dẫn.
Cải thiện kỹ năng Listening bằng phương pháp nghe chậm có chỉ dẫn
Phương pháp nghe chậm có chỉ dẫn này bản chất là phương pháp nghe-chép chính tả (Dictation). Mình cải thiện nghe rõ rệt từ phương pháp này. Tuy nhiên, trong bài này mình muốn chú trọng vào lợi ích của việc nghe chậm và có chỉ dẫn trước khi nói về việc “chép chính tả”.
Lợi ích của việc nghe chậm
1. Nghe rõ hơn rất tốt cho việc luyện phát âm
Khi nghe chậm, bạn có thể nghe rõ được cách phát âm của các từ trong câu. Trong tiếng Anh rất nhiều từ được đọc nối âm khi đứng cạnh nhau. Nếu nghe tốc độ nhanh, có thể bạn sẽ không thể nghe rõ đó là từ/ cụm từ gì HOẶC bị nhầm hẳn sang một cụm khác. Điều này không chỉ giúp bạn cải thiện kỹ năng phát âm từ đúng trọng âm mà còn giúp bạn hình dung cách nói một câu hoàn chỉnh theo nhịp như thế nào.
2. Hiểu bối cảnh đoạn nghe
Việc nghe chậm giúp bạn theo kịp câu nói chứ không chỉ nghe được một vài từ vựng bạn đã biết. Nếu chỉ nghe kịp một vài từ, bạn sẽ không thể hiểu hết cuộc hội thoại hay bài nghe này đang nói cụ thể về cái gì. Kết quả là “càng nghe, càng lạc”, bạn chỉ lờ mờ đoán được chủ đề dựa vào từ khóa mà thôi.
Hiểu được bối cảnh đoạn nghe sẽ giúp bạn bước vào không gian của bài nghe dễ dàng. Ví dụ: bạn đang nghe hội thoại giữa Alex và Lisa. Với tốc độ thông thường, bạn chỉ nghe được các từ “supermarket”, “shopping”, “list” thì cuộc hội thoại đã kết thúc. Với tốc độ chậm, bạn sẽ nghe được Alex rủ Lisa đi supermarket để mua đồ ăn. Tuy nhiên Lisa nói rằng chỉ định ghé qua cửa tiệm gần nhà để groceries shopping. Alex đồng ý và hai bạn cùng ngồi lên danh sách những món cần mua.
3. Luyện tập dần khả năng ghi chép
Thường khi học nghe, bạn sẽ phải học kỹ năng take note – ghi chép lại. Việc này giúp bạn làm bài tập nghe các dạng: điền từ, viết lại câu hoặc tóm tắt bài. Tuy nhiên, nếu nghe nhanh quá, bạn sẽ không thể ghi chép kịp. Việc nghe chậm cho phép bạn làm quen với việc thực hiện 2 hành động cùng lúc: nghe và ghi lại.
Tận dụng chỉ dẫn khi học Listening
Phương pháp nghe chậm đi kèm với chỉ dẫn giống như việc bạn học lái xe trong mô hình vậy. Bạn đang được lái tốc độ chậm, và xung quanh các xe khác cũng lái đủ chậm để bạn xử lý tình huống. Tuy nhiên, suốt dọc đường bạn sẽ có những biển báo, hiệu lệnh để biết đoạn sắp tới sẽ ra sao. Hãy tận dụng những chỉ dẫn này.
Ở phần 2, mình sẽ chia sẻ thêm về việc dùng ứng dụng WELE để cải thiện kỹ năng Listening. Bạn có thể tham gia cộng đồng WELE – We enjoy learning English hoặc tải app WELE nhé.
Chúc các bạn thành công,
[…] tiếp phần 1, mình sẽ chia sẻ cách cải thiện kỹ năng Listening bằng phương pháp Dictation […]