Trước khi đặt chân đến một đất nước mới để du học, hãy chuẩn bị cho mình những món đồ thiết yếu. Dưới đây là những gợi ý giúp bạn mang vừa đủ khi đi du học.
Lưu ý: Bài viết dựa trên kinh nghiệm cá nhân và tổng hợp lời khuyên của một vài người bạn. Danh sách phù hợp với các nước Bắc Âu bao gồm: Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Iceland. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể tham khảo nếu du học châu Âu vì các quốc gia có khá nhiều điểm tương đồng.
Trước khi bạn liệt kê mọi thứ cần mang đi
Đầu tiên là xin chúc mừng những bạn click đọc bài này, chắc hẳn các bạn đang chuẩn bị cho một hành trình đầy thú vị sắp tới! Bạn hẳn đang rất bối rối đứng trước rất nhiều câu hỏi. Một trong số đó chính là “Mang gì khi đi du học?”, “Có nên mang cái này/cái kia không?”. Trước khi tìm ngay câu trả lời một cách rất chi tiết, mình khuyên bạn nên lập một kế hoạch đóng đồ. Việc này giúp các bạn tránh được tình trạng sa đà vào việc mang theo hàng trăm món đồ lặt vặt nhưng sang đến nơi vẫn cảm thấy thiếu.
Dưới đây là 5 bước bạn cần làm trước khi chuẩn bị hành lý du học:
5 bước cần làm trước khi pack đồ
Điều này vô cùng quan trọng và bạn cần làm trước tiên. Chỉ khi hiểu nơi bạn sắp đến, bạn mới không mang thừa, mang thiếu, thậm chí không mang những đồ bị cấm. Hãy đọc thật nhiều thông tin về đất nước bạn sắp đến nhé!
Với bạn nào đang tìm hiểu về du học Thụy Điển, bạn có thể tìm hiểu tại đây.
Hãy liệt kê các hạng mục lớn như: đồ dùng cá nhân, giấy tờ tùy thân, quần áo, đồ dùng học tập. Việc này giúp bạn có cái nhìn tổng thể về các món đồ cần mang trước khi đi vào chi tiết.
Sau khi có các hạng mục lớn, hãy bắt đầu liệt kê các món đồ bắt buộc phải mang trong từng hạng mục. Bạn có thể quay trở lại để bổ sung thêm các món đang cân nhắc.
Ở bước này, hãy đánh dấu những món đồ bạn còn thiếu. Bạn có thể mua bổ sung trước khi đóng đồ.
Bước cuối cùng, sau khi đã liệt kê và chuẩn bị đồ, hãy lên thứ tự đóng đồ một cách khoa học. Việc này giúp bạn không bị đóng thiếu, hoặc không phải loay hoay đóng mở đồ ở sân bay.
Từng bước này đều rất quan trọng và nên thực hiện đủ. Trong bài viết này mình chia sẻ cụ thể hơn về mục 2-3-4 và để lại bảng check-list mẫu để các bạn có thể download và sử dụng trực tiếp.
Danh sách những món đồ cần mang
Mục này quan trọng nhất nên cần nhắc tới đầu tiên. Các giấy tờ tùy thân ở đây bao gồm:
- Hộ chiếu/ Thẻ cư trú (Residence permit)/ Bằng lái xe (nếu có)
- Vé máy bay/ vé tàu (nếu có)
- Giấy khai sinh hợp pháp hóa
- Ảnh thẻ 2×3, 3×4, 3.5×4.5
Các giấy tờ này nên scan và lưu lại trong tài khoản email/ Drive. Bạn có thể giữ một bản photo nhưng mình thấy không thực sự cần thiết. Bản mềm vừa dễ truy cập, vừa bảo mật thông tin tốt hơn.
Thử tưởng tượng nếu bạn vừa hạ cánh xuống sân bay, bạn cần truy cập wifi để tìm đường về nhà. Nhưng điện thoại của bạn chỉ còn 10% pin và bạn quên cái sạc! Dĩ nhiên, bạn có thể chạy quanh sân bay để mượn nhưng mình không nghĩ đó là một khởi đầu thuận lợi.
Hãy mang theo:
- Ổ chuyển đổi (Adapter). Bạn cần đi qua bước 1 – Tìm hiểu kỹ nơi bạn đến để biết chính xác loại ổ điện cần mang. Hãy dùng từ khóa “(tên khu vực) + electrical standard socket” để tìm. VD: European standard socket.
- Điện thoại và phụ kiện (sạc, tai nghe, ốp, có thể mang dự phòng một chiếc điện thoại cục gạch)
- Máy ảnh và phụ kiện (sạc, pin, thẻ nhớ, túi đựng,…)
- Laptop và phụ kiện (sạc, túi đựng, chuột, ổ cứng, đầu đọc thẻ,…)
Ngoài ra, bạn có thể mang sạc dự phòng, wifi router + dây cáp,…
Người dân Bắc Âu có câu ngạn ngữ “Không có thời tiết xấu, chỉ có quần áo chưa đủ tốt mà thôi”. Hãy cân nhắc chỉ cần mang quần áo cần thiết bởi vì:
- Mang nhiều đồ mùa đông đi khiến bạn vừa tốn trọng lượng hành lý, vừa không đảm bảo tính hữu dụng.
- Phong cách ăn mặc ở các nước đều có những điểm khác biệt. Hãy chọn mua quần áo bản địa, trừ khi bạn muốn tất cả mọi người nhìn vào mình với cách ăn mặc quá lạc lõng.
Dù đất nước bạn đến là đâu, bạn cũng chỉ nên mang ít quần áo từ Việt Nam thôi. Những thứ cần mang gồm đồ lót, đồ ngủ mỏng, áo dài/ âu phục, tất (vớ), và những món đồ bạn thực sự yêu thích.
Bạn nên mang theo một vài loại thuốc cảm thông thường, thuốc đau bụng, miếng dán hoặc những loại thuốc cần cho sức khỏe cá nhân. Thông thường việc mua thuốc điều trị bệnh ở nước ngoài cần bác sĩ kê đơn. Nếu sức khỏe của bạn hoàn toàn bình thường, không nên quá lo lắng về việc mang thuốc.
Một số loại bạn có thể cân nhắc mang đi: thuốc cảm, thuốc đau bụng, thuốc nhỏ mắt, bang cá nhân…
Đặc biệt, hãy mang khẩu trang vải.
Nghe tên gọi cũng đủ thấy hạng mục này “cá nhân” thế nào rồi nên bạn hãy tự cân nhắc nhé. Mình gợi ý một số món bạn nên mang theo để tuần đầu sử dụng nếu chưa biết đi mua ở đâu như:
- Dầu tắm, dầu gội, dầu xả (Dạng gói hoặc chai nhỏ du lịch).
- Bộ chăm sóc da (nếu bạn chỉ thích xài đồ châu Á hoặc cần điều trị da bằng thuốc riêng. Tuy nhiên, vẫn nên mang ít thôi, vì có thể thói quen và nhu cầu chăm sóc da sẽ thay đổi theo khí hậu).
- Một chiếc cắt móng tay là cực kỳ cần thiết.
- Khăn mỏng. Bạn sẽ tìm mua được khăn tắm dày nên đừng mang loại vừa to, vừa dày đi nhé.
- Các đồ vệ sinh cá nhân cần thiết khác.
Quay trở lại bước 1 – Tìm hiểu kỹ về điểm đến của bạn.
Hãy đảm bảo rằng, những món đồ bạn mang đi không ở trong danh sách cấm. Đừng vì một vài món đồ khiến hành trình du học của bạn không mấy tốt đẹp ngay từ những bước đầu tiên.
Đồ ăn Việt ở châu Âu không thiếu. Nguyên liệu để chế biến các món ăn quê nhà cũng có bán tại các siêu thị và cửa hàng châu Á. Tất nhiên, bạn không nên kỳ vọng mình đang đi chợ như ở nhà. Trong check list tham khảo, mình sẽ liệt kê một vài gợi ý để bạn cân nhắc mang đi nhé.
Bạn nên mang theo một số dụng cụ học tập cơ bản như bút chì, sổ tay, máy tính (nếu cần). Một số bạn có thể cần thêm USB, kéo, băng dính,… Tùy theo chương trình học, hãy mang một số đồ cần thiết mà bạn có thể không tìm mua ngay được trong thời gian đầu.
Còn khá nhiều món đồ khác bạn sẽ băn khoăn có nên mang theo hay không. VD: tiền mặt, tiền lẻ Việt Nam, cái bát con, kính mắt, ô, áo mưa, kim chỉ, đồ cắt tóc, ảnh gia đình, bàn là,… Bạn có thể tham khảo bảng liệt kê và lời khuyên trong check-list này.
Lời khuyên khi đóng gói hành lý
Sau khi đã hoàn thành danh sách đồ cần mang, hãy đóng đồ khoa học.
- Những món cồng kềnh hãy cho vào vali trước.
- Hãy để những giấy tờ cần rút ra trên hành trình bay trong túi đeo bụng hoặc đeo ngực.
- Những món đồ có thể bị kiếm tra hải quan như chất lỏng để riêng trong túi nhựa trong. Đặt chúng ở vị trí dễ lấy và dễ cất.
- Đừng để đồ ăn dễ hỏng hoặc chất lỏng chung với quần áo, bởi hành lý của bạn có thể thất lạc vài ngày.
Hành trang quan trọng nhất khi du học
- Với mình, hành lý quan trọng nhất chính là tâm lý. Hãy mang theo vừa đủ, đừng tham lam và lo sợ thiếu đồ. Bạn hoàn toàn có thể xoay sở ở vùng đất mới nếu bạn có đủ bản lĩnh. Việc tìm cách khắc phục sự cố thiếu đồ cũng là một kỹ năng tuyệt vời khi đi học xa nhà. Bạn sẽ ngạc nhiên với sự sáng tạo của chính mình.
Hi vọng bài viết này cho bạn nhiều thông tin hữu ích.
Chúc các bạn lên đường chân cứng, đá mềm!
Tham khảo thêm các bài viết:
Bài viết thuộc bản quyền của tác giả. Vui lòng không sao chép, chỉnh sửa, biên tập và đăng tải lại nếu không được sự đồng thuận của Fall in Fika/ Hà Trang Vân.
Chân thành cảm ơn bạn.
[…] Ngoài ra, bạn có thể mang sẵn một số món đồ từ Việt Nam. Hãy tham khảo Danh sách những đồ cần mang khi du học. Nếu có thắc mắc gì, hãy comment cho mình biết […]