Ngay khi vừa đặt chân đến một đất nước mới, bạn sẽ cần làm chuẩn bị khá nhiều thứ để bắt đầu một cuộc sống mới. Dưới đây là một số việc bạn cần làm ngay khi vừa đến Thụy Điển du học.
Giữ ấm cơ thể
Ngay khi vừa đặt chân xuống sân bay, bạn có thể trải nghiệm sự khác biệt của khí hậu ôn đới. Thông thường các bạn sang du học vào tháng 8. Đây vẫn là mùa cuối hè, đầu thu Thụy Điển nhưng thời tiết đã khá lạnh. Bạn hãy chuẩn bị sẵn một chiếc áo ấm bên ngoài để có thể khoác ngay trên đường từ sân bay về nhà.
Những ngày tiếp theo, hãy mặc áo nhiều lớp nếu lạnh và tìm mua một chiếc áo khoác dày dặn. Bạn không nên mang nhiều quần áo từ Việt Nam sang. Hãy tham khảo Danh sách những món đồ cần mang khi du học để tránh mang thừa đồ nhé!
Đổi tiền
Thụy Điển dùng đồng tiền riêng (Swedish Krona) và không dễ đổi tại Việt Nam. Tuy nhiên, bạn không nên mang nhiều tiền mặt mà hãy đổi khi vừa đến Thụy Điển.
Một số chỗ có thể đổi tiền là Xchange trong sân bay. Trong thành phố, bạn có thể đổi tiền mặt tại ngân hàng Forex hoặc Exchange.
Người Thụy Điển ít dùng tiền mặt nên bạn chỉ cần đổi số lượng vừa đủ. Số tiền còn lại hãy chuyển vào tài khoản ngân hàng Thụy Điển sau khi lập tài khoản.
Làm giấy tờ tùy thân
Giấy tờ tùy thân vô cùng quan trọng, bởi bạn sẽ có đầy đủ quyền lợi của một công dân nước ngoài khi ở Thụy Điển nếu có đủ giấy tờ. Một số loại giấy tờ cần làm ngay, đó là:
Nếu bạn được cấp residence permit 12 tháng trở lên, bạn có thể apply lấy số personal number. Hãy đến ngay phòng thuế (Skatteverket) để đăng ký số cá nhân (personal number hay personnummer trong tiếng Thụy Điển). Tìm hiểu thông tin tại đây.
Thẻ CMND quan trọng thứ 2 sau personal number. Nếu bạn ở Thụy Điển trên 12 tháng, bạn cần có CMND để mở tài khoản ngân hàng. Ở Thụy Điển, bạn rất hay cần dùng đến CMT/hộ chiếu để mua đồ uống có cồn, vào pub, đi nhảy đầm hay đi nhận đồ bưu điện. Bạn có thể làm CMND tại phòng thuể, phí là 400 SEK.
Bạn nên có ít nhất một tài khoản ngân hàng Thụy Điển để tránh việc mất chi phí cao khi quẹt thẻ visa. Một số ngân hàng phổ biến ở Thụy Điển là:
- Swedbank
- Nordia
- Handelsbanken
- Forex
Một số hãng viễn thông có gói cước tốt, bạn nên tham khảo: Telia, Telenor, Tele2, 3 (phát âm “tre” trong tiếng Thụy Điển), Comviq. Bạn hãy so sánh các gói và chọn ra dịch vụ tốt nhất cho mình. Ở Thụy Điển bạn có thể dùng dịch vụ EU roaming. Tức là gói data có thể sử dụng trong các nước EU với mức giá như nội địa mà không cần mất phí như roaming quốc tế.
Nhớ một số thông tin quan trọng
Số personal number: Mỗi người có một con số duy nhất và bạn sẽ dùng con số này thường xuyên. Vì vậy, hãy nhớ personal number ngay khi có.
Số điện thoại bản thân: Sau khi mua sim, hãy ghi lại trong điện thoại và học thuộc dần số điện thoại của chính mình.
Số cấp cứu/ cứu hỏa/ cảnh sát ở Thụy Điển là 112. Bạn có thể cần trong một số trường hợp khẩn cấp.
Lưu số điện thoại đại sứ quán Việt Nam gần nhất.
- Đại sứ quán Việt Nam tại Stockholm: (+46) 8 556 210 70,(+46) 8 556 210 71
- Đại sứ quán Việt Nam tại Copenhagen: +45 71 57 91 28.
- Đại sứ quán Việt Nam tại Oslo: +47 93 20 26 29.
Ổn định chỗ ở
Hầu hết các bạn sinh viên khi sang đều đã có ký túc xá hoặc nhà thuê. Khi ở một nơi mới, các bạn có thể thiếu một số món đồ, hãy tìm thử món đồ bạn cần ở cửa hàng đồ cũ để tiết kiệm chi phí sinh hoạt.
Ngoài ra, bạn sẽ cần mua một số đồ dùng cá nhân tại siêu thị.
Siêu thị nào rẻ ở Thụy Điển?
Với mình, siêu thị nào cũng có cái rẻ. Bạn nên theo dõi mấy tờ báo phát miễn phí để biết chỗ nào có đồ ngon, bổ rẻ mà phi tới.
- Willy có giá trung bình rẻ và nhiều thứ. Có cả bánh đa nem, bánh phồng tôm Việt Nam và nghìn thứ khác.
- ICA (không phải ICA NÄRA) có nhiều rau củ quả và giá cũng tốt, đặc biệt nhiều giảm giá. ICA Maxi lớn và nhiều giảm giá nhưng thường xa trung tâm. Thịt ở ICA có giá và chất lượng cao hơn cả (theo ý kiến của mình)
- COOP: rau củ quả cũng nhiều nhưng thịt cá thường hơi kém hơn chút.
- Đồ gia đình, lau rửa thì ÖBO là rẻ nhất. Bạn cũng tìm được vài đồ khô trong tiệm này với giá tốt.
- Các siêu thị nhỏ như COOP EXTRA hay ICA NÄRA thường có giá cao vì được tính như cửa hàng tiện dụng (Pressbyrån)
- Các siêu thị đều có dòng giá rẻ riêng của họ như ICA Basic hay Extra (của COOP)… Mấy dòng sản phẩm này là bạn thân của sinh viên. Mình sau một thời gian chọn lựa thì thấy mấy dòng này có thứ dùng tốt, có thứ thì chán lắm. Bạn cứ thử một lần rồi tự đánh giá nhé
Đừng quên dùng các ưu đãi thẻ sinh viên (mecenat) mang lại cho bạn.
Tìm một vài tiệm đồ Á/ chợ châu Á
Hầu hết các thanh phố lớn đều có cửa hàng đồ Á hoặc chợ trời. Ở đây bạn sẽ tìm được khá nhiều gia vị, đồ ăn quê hương. Do vậy, không cần mang nhiều đồ ăn từ Việt Nam sang đâu nhé!
Kết bài
Trên đây là một số việc bạn cần làm ngay khi vừa đặt chân đến Thụy Điển. Những thông tin này được tổng hợp và biên tập lại từ kinh nghiệm của chị Travelling Kat và Fall in Fika. Hi vọng những thông tin này sẽ giúp bạn có một khởi đầu thật tốt khi học tập tại đất nước này.
Chúc bạn nhiều may mắn,
Leave a Reply