Nhiều bạn hỏi mình về việc tìm một part-time job (việc làm thêm) khi du học tại Thuỵ Điển. Thật khó để trả lời một cách đầy đủ vì part-time job có rất nhiều yếu tố chi phối. Bài viết này chia sẻ trải nghiệm cá nhân của mình và những gì quan sát được từ bạn bè.
Thông tin chung về việc làm thêm cho sinh viên quốc tế tại Thuỵ Điển
Trước hết, các bạn cần biết quyền làm thêm tại Thuỵ Điển khi là sinh viên quốc tế. Mình đưa điều này lên đầu tiên vì mình khuyến khích các bạn nên tôn trọng và làm theo đúng pháp luật nước sở tại để đảm bảo quyền lợi tốt nhất. Khi các bạn xin thẻ cư trú (resident permit) để đi học, thông thường phía sau thẻ sẽ có một dòng ghi chú rõ “för arbetar” (được làm việc). Với loại thẻ của sinh viên, bạn sẽ được làm thêm. Mình nhớ không nhầm là tối đa 20 giờ/ tuần.
Để đi làm và nhận lương, bạn cần có (1) số định danh cá nhân (personal number) và (2) tài khoản ngân hàng. Số personal number bạn đã đăng ký ngay khi đặt chân đến Thuỵ Điển. Còn tài khoản ngân hàng, bạn có thể mở sau khi đã có căn cước công dân. Khi bạn làm thêm và trả lương, bạn sẽ đóng một phần thuế cho Sở thuế Thuỵ Điển. Cuối năm, bạn sẽ được hoàn thuế theo quy định.
Tham khảo một số bài viết của sinh viên:
Xem thêm bài viết
Cơ hội tìm việc làm thêm tại Thuỵ Điển
Một số yếu tố ảnh hướng đến cơ hội tìm việc làm thêm tại Thuỵ Điển
- Nơi sống: thành phố lớn sẽ có nhiều cơ hội việc làm thêm hơn các thị trấn nhỏ. Đặc biệt, khi bạn là sinh viên quốc tế, ở thành phố lớ hoặc thành phố sinh viên sẽ có nhiều dịch vụ, nhu cầu nhân sự hơn.
- Ngôn ngữ: Nếu bạn biết tiếng Thuỵ Điển, dĩ nhiên cơ hội tìm việc làm thêm cao hơn. Tuy nhiên, ngôn ngữ không phải là rào cản quá lớn nếu công việc làm thêm của bạn không đòi hỏi phải giao tiếp.
- Kỹ năng: Bạn có thể lựa chọn việc làm thêm dạng lao động chân tay hoặc công việc học thuật, kỹ năng. Dĩ nhiên việc tay sẽ dễ kiếm hơn việc học thuật một chút.
- Mức lương: Mức lương cơ bản cho 1 giờ làm thêm dao động trong khoảng 90SEK (~9Eu) đến 140SEK (~14Eu). Tuỳ theo tính chất công việc, bạn có thể được trả cao hơn hoặc thấp hơn. Không phải việc chân tay nào cũng bị trả giá thấp. Hoặc không phải việc lương cao nào cũng khó tìm.
Ví dụ về việc làm thêm sinh viên mình đã từng làm qua
- Mình làm thêm ở tiệm sushi trong thành phố Lund – Thuỵ Điển. Đây là thành phố sinh viên nên các cửa hàng ăn, tiệm cafe rất hay tuyển nhân viên. Họ chấp nhận sinh viên quốc tế vì hầu như tất cả đều nói tiếng Anh rất thạo. Công việc mình làm thuần tuý là lao động chân tay. Cụ thể, mình từng đứng khu vực rửa bát (nhiệm vụ xếp bát vào máy xả). Sau một thời gian mình được chuyển sang đứng quầy sơ chế nguyên liệu. Mình kiếm được khoảng 3000SEK (~300-350 Eu) mỗi tháng tuỳ theo số giờ. Đây là mức lương trung bình của công việc tại tiệm ăn.
- Công việc khác mình từng làm là thí nghiệm thời vụ tại trường Đại học Bergen. Bergen là thành phố lớn thứ 2 Na Uy. Công việc này không đòi hỏi kỹ năng nhưng cần bạn là một sinh viên biết tiếng Anh và hiểu hoạt động thí nghiệm cho mục đích nghiên cứu. Thí nghiệm mình tham gia là kiểm tra nhận thức bằng cách chụp MRI. Chỉ sau khoảng 90 phút, mình nhận được 200 NOK, tương đương 20Eur. Đây là mức lương khá cao cho công việc khá đơn giản với mình.
Ngoài ra mình cũng từng làm nhiều công việc khác để kiếm tiền tiêu vặt. Trong đó có cả những công việc làm online từ xa tại Việt Nam.
Làm sao để tìm được việc làm thêm sinh viên
Câu trả lời chỉ có một: đó là phải tìm kiếm thật nhiều.
Đó là câu trả lời của một bạn cùng lớp Thạc sĩ với mình mà mình chợt nhận ra quá đúng. Muốn tìm được một việc làm thêm, bạn phải liên tục tìm kiếm thật nhiều, ứng tuyển và danh sách sẽ rơi rụng dần.
Các kênh sinh viên thường tìm việc làm thêm
- Trực tiếp đến nơi tuyển, mang theo CV
- Tìm qua network bạn bè
- Tìm trên mạng
Các bạn thường hỏi có dễ tìm việc làm thêm tại Thuỵ Điển (hoặc Na Uy) không? Với mình, mình đã tìm được một vài công việc qua cả 3 cách trên và thấy “không dễ nhưng không phải không thể”. Chỉ cần bạn chịu khó, bỏ chút công sức, chắc chắn bạn sẽ tìm được.
Cân nhắc khi tìm việc làm thêm
Tại Thuỵ Điển, sinh viên quốc tế được phép làm việc 20 tiếng/ tuần. Thường các bạn này sẽ phải dành thời gian để học và làm bài tập khá nhiều. Các sinh viên Việt Nam mà mình biết hầu hết đều theo học chương trình full time (toàn thời gian). Các chương trình này đều đòi hỏi bạn dành ít nhất 8 tiếng/ngày cho việc học (vì toàn thời gian mà). Dù học trên lớp có thể chỉ một vài tiết, nhưng bạn cần thời gian tự hjojc, làm bài tập, đọc, làm việc nhóm. Việc này chiếm nhiều thời gian của bạn đến mức bạn sẽ phải tự cân nhắc trước khi xin bất kỳ công việc làm thêm nào.
Đồng thời, việc làm thêm không thể trang trải hết sinh hoạt phí và tiền học của bạn tại Thuỵ Điển. Là một người có học bổng 100% của trường Lund, mình phải chi trả tiền sinh hoạt phí. Tuy vậy, mình chỉ làm thêm để trải nghiệm và kiếm thêm chút tiền tiêu vặt. Mình cũng chưa từng biết bạn bè nào trong network tại Thuỵ Điển có thể vừa học full time, vừa làm thêm trang trải toàn bộ chi tiêu. Đừng quên bạn cũng cần “tận hưởng” những trải nghiệm khác như đi dạo, đi chơi nữa nhé.
Một số việc làm thêm dành cho sinh viên tại Thuỵ Điển
Làm thêm tại trường Đại học
Hãy để ý cách chương trình Ambassador, giúp trường làm truyền thông, quản lý tài khoản social media, hoặc tổ chức các sự kiện của trường. Nếu bạn ở ký túc xá, bạn có thể ứng tuyển làm quản lý (contact point). Mình đã từng nhận được khoảng 50Eu trừ thẳng vào tiền thuê nhà nhờ công việc này. Bạn sẽ có một khoản nhỏ mà không quá tốn nhiều thời gian. Đồng thời công việc này có thể là một điểm cộng trong CV.
Các công việc hỗ trợ nghiên cứu
Bạn có thể tham gia làm khảo sát, thí nghiệm, hỗ trợ nghiên cứu cho các nghiên cứu sinh hoặc giáo sư tại trường.
Các công việc dịch vụ tại tiệm cafe, quán ăn, quán pub
Công việc trong ngành F&B rất đa dạng và giúp bạn học nhiều kỹ năng mà không quá mệt mỏi về đầu óc. Tuy nhiên, đây chỉ nên là công việc làm thêm.
Làm việc tại Hội sinh viên, CLB sinh viên
Mô hình sinh viên làm việc tại các tổ chức trong trường và được trả một khoản nhỏ có thể không phổ biến ở tất cả các trường và thành phố. Tuy nhiên, tại một số trường ở Thuỵ Điển, bạn có thể tham gia Student Union, Nation, và làm công trong một số hoạt động như chuẩn bị tiệc, làm sự kiện. Mình từng là thành viên tích cực của cả Student Union và Ostgota Nation của trường Lund. Tuy không trả bằng tiền mặt, nhưng mình được cho phiếu ăn, cafe, bánh ngọt miễn phí. Các phiếu ăn này được dùng ở các buổi brunch, và nhờ đó mình lại quen được những bạn mới.
Công việc đưa thư, giao báo, giao đồ ăn
Các công việc này đòi hỏi bạn có sức khoẻ để đạp xe hoặc mang vác hàng. Mình chưa từng làm nhưng một số bạn mình đã từng làm công việc này tại Thuỵ Điển.
Công việc thời vụ
Mùa hè bạn có thể được thuê để hái dâu, làm bánh, trực quầy cafe ở những khu du lịch. Đặc biệt, bạn có thể có summer job khi mọi người bắt đầu kỳ nghỉ hè. Nhiều bạn tìm được việc tốt (high skill) và có nhiều cơ hội việc làm sau đó. Mình đã từng nhận job chăm sóc mèo trong thời gian chủ nhà đi du lịch/ công tác với mức phí là 5Eu/ngày.
Công việc từ năng khiếu cá nhân
Nếu bạn có chút tài lẻ như chụp hình, viết lách, trồng cây, vẽ tranh, cắt tóc, sửa máy tính, sửa xe đạp, … bạn hoàn toàn có thể kiếm được tiền tiêu vặt từ khả năng của mình. Mình đã từng trả tiền cho một bạn trong ký túc xá để sửa laptop giùm mà chỉ qua giới thiệu truyền miệng. Mình cũng từng ứng tuyển để chụp hình cho một sự kiện … nhưng tiếc là chưa được chọn.
Trên đây chỉ là một số công việc mình biết và quan sát được. Nếu bạn biết các công việc nào khác, hãy bổ sung thêm trong comment cho mình biết nhé!
Kết luận
Mình sẽ trả lời lại một lần nữa: Cơ hội tìm việc làm thêm tại Thuỵ Điển có nhiều, nhưng tìm được công việc phù hợp với mình không hề dễ. Tuy nhiên, không dễ không có nghĩa là không thể. Bản thân mình đã từng thử nhiều việc và mình nghĩ bạn cũng có thể làm được.
Chia sẻ về việc làm thêm, mình mong các bạn sẽ cân đối được thời gian học tập và trải nghiệm để không bị dồn quá nhiều tâm sức vào một việc nào cả. Đừng vì căng thẳng việc học mà bỏ qua những điều thú vị ở bên ngoài. Cũng đừng vì gánh nặng tài chính mà gồng mình đi làm thêm tối ngày. Bởi khi bạn ốm, hoặc bỏ bê việc học, bạn sẽ là người thiệt thòi nhiều nhất.
Chúc các bạn sẽ tìm được ít nhất một việc làm thêm và có thật nhiều trải nghiệm thú vị
Leave a Reply