Cuối tháng 10, châu Âu sẽ lùi lại một giờ đồng hồ vào lúc 3 giờ sáng ngày Chủ nhật cuối cùng. Việc đổi giờ không chỉ diễn ra trên chiếc đồng hồ mà còn ở rất nhiều thứ bạn có thể không hề hay biết.
Giờ mùa hè (Daylight saving time) là gì?
Giờ tiết kiệm ánh sáng ban ngày (Daylight saving time) là quy ước chỉnh đồng hồ nhanh lên 1 giờ đồng hồ ở các quốc gia có ngày và đêm chênh lệch nhau rất lớn vào mùa hè. Chủ yếu các quốc gia ôn đới nằm gần cực sẽ áp dụng quy ước này: Bắc Mỹ, Canada, Úc, châu Âu
Cụ thể:
- Ngày Chủ nhật cuối cùng của tháng 3: đồng hồ sẽ được điều chỉnh nhanh lên 1 tiếng.
- Ngày Chủ nhật cuối cùng của tháng 10: đồng hồ sẽ được trả lại 1 tiếng như cũ.
Ví dụ: Đổi giờ tại Thụy Điển
Thụy Điển thuộc múi giờ GMT+1, cách Việt Nam (GMT+7) là 6 tiếng đồng hồ. Đây là giờ chuẩn. Đến tháng 3, khi đồng hồ được chỉnh nhanh lên 1 tiếng, giờ của Thụy Điển sẽ là GMT+2. Như vậy, Thụy Điển chỉ cách Việt Nam (GMT+7) là 5 tiếng đồng hồ do giờ Việt Nam không đổi. Đến tháng 10, đồng hồ sẽ đồng loạt lùi lại 1 tiếng để về lại múi giờ GMT+1 như cũ.
Tại sao có giờ mùa hè
Bạn thử tưởng tượng tại Thụy Điển khi mùa hè sang ngày sẽ dài cỡ nào nhé! Tại Stockholm, mặt trời lặn khoảng tầm 10h và mọc lúc 4h sáng. Mặt trời không lặn hẳn mà chỉ chuyển sang màu xanh lam như trời chiều ở Việt Nam thôi. Càng về phía Bắc thì ngày mùa hè càng dài. Thậm chí, có những ngày mặt trời ở đó 24 giờ luôn (hiện tượng ngày trắng). Ngược lại, mùa đông mặt trời có thể 9h mới ngấp nghé mọc và 2 rưỡi chiều đã lặn rồi. Nhiều thành phố phía Bắc sẽ trải qua 1 tháng tăm tối.
Bạn có thể đọc thêm các thông tin trên mạng để hiểu thêm về mục đích tiết kiệm năng lượng của việc điều chỉnh giờ.
Thay đổi giờ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và tâm lý hơn bạn tưởng
Dù việc đổi giờ này diễn ra vào Chủ nhật để tránh các xáo trộn về lịch làm việc và sinh hoạt, cuộc sống của bạn vẫn bị ảnh hưởng mà bạn không hề hay biết.
Nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng thay đổi giờ khiến tỉ lệ trụy tim, tai nạn xe hơi hay tai nạn nơi làm việc tăng cao. Những bạn ở Thụy Điển và khu vực Bắc Âu chắc sẽ trải nghiệm khác biệt lúc đổi giờ của 2 mùa.
Mùa hè
Vào ngày chuyển giờ, bạn chỉ có 23 tiếng. Bạn nghĩ rằng hụt 1 tiếng trong lúc ngủ không thực sự là vấn đề quá lớn, nhưng thực tế đồng hồ sinh học trong cơ thể bạn đang bắt đầu điều chỉnh để thích nghi với sự thay đổi này. Những ngày sau bạn thường thấy buồn ngủ và mệt mỏi hơn một chút. Mặt trời mọc ngày một sớm hơn, thời gian tiếp xúc với ánh sáng nhiều hơn, cơ thể bạn sẽ bị ép phải “thức” nhiều hơn. Vì thế, bạn cảm thấy một ngày mình “vận động” nhiều hơn. Theo một nghiên cứu nói rằng người Thụy Điển ngủ ít hơn trung bình 1 giờ vào mùa hè (vì họ dành thời gian ngoài trời khá nhiều)
Chuyển giờ cuối tháng 3 cũng là thời điểm sang xuân. Thời tiết ẩm ương và trong không khí có nhiều phấn hoa hơn bất kỳ thời gian nào trong năm. Vì thế nhiều người có thể sẽ cảm thấy ngứa, mỏi mắt do ánh sáng và bụi.
Mùa thu
Bạn có thêm 1 giờ đồng hồ để ngủ. Tuy nhiên, vào thời điểm cuối tháng 10, ngày đã rất ngắn. Bạn tỉnh dậy lúc 7h sáng (lẽ ra là 8h sáng) và cảm thấy vui vì hôm nay mình dậy sớm hơn thường ngày nhưng điều đó chỉ diễn ra trong ngày đầu tiên thôi. Cơ thể bạn một lần nữa phải điều chỉnh đồng hồ sinh học. Việc thức dậy vào mùa đông trở nên khó khăn hơn do không có nhiều ánh sáng tự nhiên. Kèm theo đó là những rối loạn cảm xúc hay thiếu vitamin do mùa.
Chuẩn bị để thích nghi tốt nhất
Những ảnh hưởng về sức khỏe này thường rất ít được để ý. Bản thân người Việt đã quen với sự cân bằng ngày đêm khi ở gần xích đạo, thường chỉ bị ngợp khi mới chuyển đến Thụy Điển hoặc châu Âu nói chung. Sau khi đã ở một thời gian, việc đổi giờ này chỉ là chuyện nhỏ. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng những ảnh hưởng này vẫn âm thầm diễn ra bên trong bạn. Chỉ là bạn có để ý đến nó không thôi.
Cá nhân mình là người rất dễ ngủ. Mình dễ dàng điều chỉnh đồng hồ sinh học khi bay xuyên nhiều múi giờ mà không bị jetlag. Tuy nhiên, mình thấy cơ thể khó thích nghi khoảng 1-2 tuần trong thời gian chuyển đổi giờ đồng/ hè. Da mặt cũng bị xấu đi khi cơ thể chưa kịp điều tiết với nhịp thời gian mới. Dưới đây là một vài tips mà mình đã làm để nhanh chóng thích nghi.
Mùa hè | Mùa đông |
Vì bị hụt đi 1 tiếng nên trước khi chuyển giờ các bạn nên điều chỉnh giờ ngủ mỗi ngày (VD: mỗi ngày ngủ sớm, dậy sớm hơn 15p trong vòng 5-7 ngày). Bạn có thể tập thể dục ngoài trời buổi sáng để “đánh thức” cơ thể (mình chạy hoặc đi bộ trong công viên ngay gần nhà). Đừng quên uống nhiều nước nhé! | Lên kế hoạch trước vào ngày Chủ nhật đổi giờ, bạn sẽ làm gì trong 1 giờ đồng hồ dư ra để không cảm giác thời gian bị bỏ phí. Uống bổ sung vitamin D, canxi và các vitamin khác vì mùa đông ở đây thiếu ánh nắng. Và tất nhiên, đừng quên uống nhiều nước giai đoạn chuyển mùa vì rất dễ bị chảy máu cam do khô đấy. |
Hi vọng những chia sẻ này sẽ hữu ích cho bạn. Hãy chuẩn bị thật tốt cho lúc giao mùa nhé!
Chúc các bạn một ngày tốt lành,
Fall in Fika.
Leave a Reply