Bên cạnh chiếc vali, hành trang trước khi du học Thụy Điển có thể bao gồm việc hiểu những chuẩn mực xã hội đặc trưng của Thụy Điển. Một số điều cơ bản khá giống Việt Nam, một số điều khác lạ hơn. Ví dụ như khi được mời đến nhà một người Thụy Điển, bạn nên đúng giờ và bỏ giày ngoài cửa.
*Lưu ý: Bài viết được dịch từ bài gốc tại Sweden.se. Văn phong dịch là của tác giả blog Fall in Fika. Tác giả có thể thêm một số nhận định trong khung màu vàng.
#1 Mê cà phê như người Thụy Điển
Không có gì ngạc nhiên nếu điều đầu tiên là FIKA. Hãy thử tìm hiểu xem người Thụy Điển có thích “Sài Gòn cà phê sữa đá” không nhé!
Ít ai uống cà phê nhiều như người Thụy Điển. Ở đây, văn hóa cà phê được gắn liền với một nét truyền thống đặc trưng – Fika. Mọi người thường dành thời gian gặp bạn bè, gia đình, đồng nghiệp để uống trà, cà phê và ăn kèm với chút đồ ngọt. Hầu hết người Thụy Điển coi Fika như một cơ hội để bonding (gắn kết) với mọi người.
Tuy nhiên, bạn nào đã thử Fika tại Thụy Điển sẽ thấy họ uống cà phê khác Việt Nam. Cà phê thơm nhẹ, nhạt, dùng với sữa tươi. Bạn có thể mời họ thử cà phê sữa đặc kiểu Việt Nam; tuy nhiên, đừng ngạc nhiên nếu họ không thích nhé. Hãy tôn trọng khác biệt văn hóa, đừng chê cà phê của họ nếu bạn không thích.
#2 Xếp hàng kiểu Thụy Điển
Từ hiệu thuốc hay sở thuế đến quầy thịt hay cửa hàng tạp hóa gần nhà, bạn sẽ buộc phải kiên nhẫn khi chờ đợi để được phục vụ trong một hàng dài được đánh số. Nhiều doanh nghiệp có hệ thống xuất số thứ tự. Ví dụ, thông thường sẽ có một chiếc máy nhỏ treo trên tường để bạn lấy số của mình. Sau khi lấy số, bạn sẽ đợi đến khi số của bạn hiển thị trên màn hình trước khi bạn có thể tiếp tục đến quầy phục vụ.
Vì vậy, hãy để ý khi bước vào bất kỳ địa điểm công cộng nào. Mọi người sẽ không xếp hàng bằng cách đứng hàng dài đâu. Họ đã cầm sẵn con số của mình và chờ đến lượt. Bạn hãy tìm cái máy phát số và “xếp hàng” nhé!
#3 Có cần học tiếng Thụy Điển không nhỉ?
Bạn có thể sống ở Thụy Điển nhiều năm mà không cần học tí tiếng Thụy Điển nào. Người Thụy Điển luôn được đánh giá là một trong top các quốc gia sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai tốt nhất thế giới. Cũng vì lý do này mà bạn có thể mất nhiều thời gian hơn để học tiếng Thụy Điển. Một kênh hữu ích để học tiếng Thụy Điển là SFI (tiếng Thụy Điển dành cho người nhập cư). Việc học có thể hơi khó vì họ dùng tiếng Anh suốt, nhưng cũng đáng để cố gắng đấy.
Các khóa học SFI có trong chương trình giáo dục thường xuyên dành cho người lớn của từng địa phương (kommunal vuxenutbildning, hoặc komvux). Vì vậy, bạn cần liên hệ với địa phương của mình để đăng ký. Danh sách liên hệ của 290 thành phố tự trị của Thụy Điển ở đây.
Tôi là điển hình của việc lười học tiếng Thụy Điển và vẫn sống tốt trong 2 năm học nè. Tuy nhiên, nếu bạn muốn tìm việc thì nên học tiếng nhé!
#4 Nhất định phải thử mứt lingonberry
Ở Thụy Điển, mứt lingonberry thường được ăn kèm với nhiều món ăn. Từ thịt viên, bánh kếp đến cháo hay bánh tiết (blodpudding), món nào cũng có thể kết hợp. Tuy nhiên, mứt lingonberry hiếm khi được sử dụng trên bánh mì, mặc đây là mứt ngọt.
Mình là người dễ ăn nên thử một chút đồ mặn ăn kèm mứt ngọt thấy cũng OK. Tuy nhiên, bạn nào “xấu bụng” thì tốt nhất chỉ nên ăn cùng bánh waffle thôi nhé!
#5 … đồ ăn đựng trong tuýp kem đánh răng
Đừng shock khi bạn đến quầy đồ ăn lạnh trong siêu thị và nhìn thấy những tuýp đồ ăn treo lủng lẳng nhé. Hãy hiểu rằng, những tuýp này đựng các món dạng kem như trứng cá muối, sốt mayonnaise, mù tạt, v.v. Một lúc nào đó, bạn sẽ được thử món trứng luộc có bóp chút trứng cá muối như hình.
Ehhh, mình cũng thử món này và thấy OK. Nhưng bố mẹ mình tuyệt đối không thích. Hãy cân nhắc trước khi thử.
#6 Những ông bố bỉm sữa trên đường phố
Khi nói đến bình đẳng giữa giới, Thụy Điển là một trong những quốc gia đi đầu. Đàn ông Thụy Điển sẵn sàng ở nhà và nuôi dạy con mình từ lúc sơ sinh. Ở Thụy Điển, các cặp vợ chồng được hưởng 480 ngày nghỉ phép có lương và thời gian này được chia đều cho cha mẹ.
Đoạn ngắn này không thể nói hết về hình ảnh đàn ông Thụy Điển đẩy xe nôi đi dạo. Mình chỉ nói thêm một chút về số lượng ngày phép sinh con được chia như thế nào. Trong 480 ngày nghỉ chăm con, cặp cha mẹ được quyền tự chia sao cho phù hợp. Tuy nhiên, mỗi người phải nghỉ ít nhất 90 ngày. Thời gian sử dụng quỹ phép này nếu mình nhớ không nhầm là 3 năm. Do vậy, các ông bố Thụy Điển cũng thường ở nhà chăm sóc con kha khá ngày.
Đọc thêm: Chuyện các ông bố cũng được ‘nghỉ đẻ’ ở Thụy Điển
và Sinh con ở Thụy Điển sướng thế nào
#7 Mê vận động ngoài trời
Tất nhiên không phải tất cả dân Thụy Điển, nhưng phần lớn họ đều thích ở ngoài trời. Ở Thụy Điển, dù mưa, nắng hoặc bão tuyết quanh năm có thế nào, họ cũng tìm được thú vui hoạt động ngoài trời. Chính phủ thậm chí đã quy định quyền đó là Quyền tận hưởng thiên nhiên (Allemansrätten).
#8 Cửa hàng nghỉ hè tháng Bảy
Không dễ tìm được nhà hàng, cửa hàng mở cửa vào tháng Bảy vì đây là tháng nghỉ hè. Nhân viên thường được nghỉ 4-6 tuần lận.
#9 Lagom
Một văn hóa được giữ nguyên tên gọi của nó – Lagom. Dịch nôm na là “vừa đủ”, “thích hợp”. Từ này được dùng khi mô tả những điều vừa phải, hài hòa, không thái quá.
#10 Melodifestivalen – cái này không lagom chút nào
Melodifestivalen là sự kiện âm nhạc quốc gia quyết định ca khúc nào sẽ dự thi Eurovision. Eurovison là cuộc thi âm nhạc giữa các nước trong khối Liên minh châu Âu. Cuộc thi này rất quan trọng với người Thụy Điển vì họ là một tên tuổi khá lớn. Melodifestivalen được tổ chức vào tháng 2 và tháng 3 hàng năm, như một cách cứu rỗi mùa đông tăm tối. Tháng 5 sẽ là Chung kết Eurovision. Một số người Thụy Điển cũng mê môn khúc côn cầu trên băng và hai cuộc thi này thường tổ chức cùng thời điểm.
Có thể bạn chưa biết: Thụy Điển chính là một chiếc nôi âm nhạc toàn cầu. Hàng loạt những nhà sản xuất âm nhạc đã tạo ra sao số, hot hit trên toàn thế giới từ đây. ABBA chính là một trong số những band nhạc ra đời từ Melodifestivalen và Eurovision đó!
#11 Gọi tên đừng quá trang trọng
Dù bạn nói chuyện với bác sĩ, giáo sư đại học hay cố vấn kinh tế, họ sẽ gọi bạn bằng tên và mong đợi bạn cũng làm điều tương tự. Đây là một điều bình thường ở Thụy Điển, bất kể chức danh công việc nào cũng bị loại bỏ. Tất nhiên có một số ngoại lệ. Nếu bạn ở bên trong phòng xử án, hoặc đối mặt với một bộ trưởng chính trị hoặc một người nào đó từ hoàng gia Thụy Điển, bạn nên dùng các chức danh phù hợp.
Mình nghĩ điều này khá thú vị, bạn sẽ cảm thấy cần gũi hơn nhiều khi gọi thầy giáo bằng tên thay vì Professor X.
#12 Bỏ giày ra nha
Bạn sẽ nhanh chóng nhận ra người Thụy Điển cởi giày trước khi vào nhà riêng. Một thực tế đơn giản là người Thụy Điển dành nhiều thời gian ở ngoài trời trong mùa đông và dễ bị bám bẩn. Do vậy, họ bỏ giày để tránh làm bẩn sàn. Một số người khác cho rằng đó là sự tôn trọng đối với chủ nhà. Dù lý giải thế nào, bạn hãy nên bỏ giày trước khi vào nhà một người Thụy Điển nhé!
#13 Mùa đông lạnh và tối
Chẳng có gì lạ khi một đất nước Bắc Âu có mùa đông lạnh và tối. Càng vào chính đông, bạn sẽ càng thấy mặt trời ít đi mỗi ngày ở một số vùng phía bắc của đất nước. Khu vực phía trên Vòng Bắc Cực, có khi chỉ có ba tiếng trời sáng hoặc đêm trắng. Vì vậy, mùa đông có thể nói là rất khắc nghiệt. Bù lại, bạn sẽ được tận thưởng mùa hè thiên đường. Ánh sáng ban ngày kéo dài và nhiệt độ ấm vừa phải khiến Thụy Điển trở thành một trong những nơi đẹp nhất để đến trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 8.
#14 Văn hóa đúng giờ
Ở đây, người ta hiểu rằng khái niệm ‘thời gian’ luôn được tôn trọng. Bất kể bạn đang đi phỏng vấn hay tham gia một buổi hẹn hò, hãy đúng giờ. Các cuộc họp sẽ bắt đầu đúng giờ kể cả không có bạn. Chuyến tàu khởi hành đúng giờ kể cả không có bạn. Người Thụy Điển rất coi trọng sự đúng giờ.
#15 Công ty bia rượu độc quyền nhà nước
Mặc dù bạn có thể mua đồ uống có cồn tại siêu thị, nhà hàng và quán bar, nhưng nếu bạn muốn nhấp một ngụm rượu vang tại nhà riêng, bạn chỉ có một lựa chọn hợp pháp. Công ty duy nhất được kinh doanh rượu mạnh với khoảng 400 cửa hàng khắp cả nước làSystembolaget.
#16 Tôi không cần túi nilon
Hãy suy nghĩ kỹ trước khi lấy một chiếc túi nilon. Hầu hết các cửa hàng tạp hóa ở Thụy Điển đều tính phí túi nilon hoặc túi giấy nhằm giảm thiểu chất thải và khuyến khích tái chế. Người Thụy Điển thích sự phát triển bền vững.
#17 Những ngày lễ đặc biệt cho đồ ăn
Người Thụy Điển cũng có những ngày lễ phổ biến như: lễ Giáng sinh, Lễ Phục sinh, Trung hạ và Đêm Walpurgis. Bên cạnh đó là những ngày lễ bánh trái vô cùng quan trọng: bánh semla cho Ngày Thứ Ba béo(Fettisdagen); Ngày bánh Waffle vào 25 tháng Ba (Våffeldagen); hay ngày Bánh Quế Cinnamon Bun Day (Kanelbullens dag) vào mùng 4 tháng Mười. Hãy thoải mái ăn bánh ngọt vào ngày này nhé!
Đọc thêm:
#18 Uống nước từ vòi
Tiêu chuẩn nước sạch của Thụy Điển là uống thằng từ vòi. Nước sạch và trong lành, nhờ vậy bạn có thể tiết kiệm cả tiền bạc và môi trường bằng cách không mua nước đóng chai.
#19 Đồ công sở nghĩa là mặc jeans cũng được
Thời trang hàng ngày ở Thụy Điển nói chung là đơn giản, thoải mái và giản dị. Khái niệm này cũng được áp dụng vào môi trường doanh nghiệp. Trừ khi đồng nghiệp của bạn đang gặp gỡ khách hàng nước ngoài hoặc tham dự một cuộc họp hội đồng quản trị cấp cao, còn không thì họ sẽ mặc quần jean và áo sơ mi bình thường.
#20 Dịch vụ sức khỏe và giáo dục miễn phí – đúng nhưng không phải tất cả
Mặc dù hệ thống y tế của Thụy Điển phần lớn vận hành bằng tiền thuế, nhưng không phải tất cả hoàn toàn miễn phí. Đối với các cuộc khám định kỳ tại phòng khám của bác sĩ, bạn có thể phải trả tối đa cho cả năm là 1.150 SEK. Khám răng cũng khá đắt đỏ.
Các trường đại học ở Thụy Điển miễn phí cho công dân của EU / EEA hoặc Thụy Sĩ. Kể từ năm 2011, sinh viên từ các quốc gia khác được tính phí theo học tại các trường đại học Thụy Điển. Các trường đại học tự đặt ra mức học phí, hầu hết dao động trong khoảng 80.000 đến 140.000 SEK mỗi năm học.
Đọc thêm về du học Thụy Điển tại:
Cảm ơn các bạn đã theo dõi,
Fall in Fika.
[…] 20 điều cần biết trước khi đến Thụy Điển […]