Bài viết chia sẻ câu chuyện cô gái hai lần apply học bổng SI thuộc tuyển tập ‘Tôi nói về Du học Thụy Điển‘ được đăng trên Fall in Fika. Chân thành cảm ơn các tác giả và Mạng lưới cựu sinh viên Thụy Điển tại Việt Nam đã đóng góp.
Hình thức, thời gian nộp hồ sơ cho học bổng trong bài chỉ áp dụng cho năm mà tác giả apply học bổng. Để biết thông tin chính xác về học bổng SI, vui lòng truy cập Study in Sweden.
Chào các bạn,
Mình là Ngọc Trang, cựu sinh viên trường Swedish University of Agricultural Sciences– SLU, Thụy ĐIển.
Trước đây, khi đọc bài chia sẻ của các anh chị được học bổng, mình luôn cảm thấy đó là nguồn động lực to lớn cho những ai đã, đang và sẽ apply học bổng. Vì vậy, hôm nay minh sẽ chia sẻ kinh nghiệm thực tế trong quá trình xin học bổng. Hi vọng bài viết sẽ là viên gạch lót đường giúp bạn tiến gần đến đích hơn trên hành trình du học.
Vài nét về bản thân tại thời điểm apply
Học vấn
Mình tốt nghiệm loại Khá chuyên ngành Kiểm toán của trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh. Trong thời gian học, mình cũng có vài lần được khen thưởng be bé ở UEH.
Kinh nghiệm làm việc
Mình bắt đầu thực tập cho Ernst & Young Việt Nam (EY) từ lúc sinh viên. Sau khi ra trường, mình đầu quân và tiếp tục gắn bó với EY hơn 3 năm, trước khi chuyển sang làm kế toán trưởng cho 1 công ty về nông nghiệp.
Mình bắt đầu quá trình xin học bổng khi vừa đủ 2 năm kinh nghiệm. Mùa đầu chinh chiến, rải cũng kha khá các hồ sơ. Chỗ nào có học bổng chính phủ, hay học bổng toàn phần mình đều nộp hết. Điểm sơ qua những cái tên đình đám như EM, Fulbright, Chevening, Irish Aid, NZA và SI. Đến mùa thứ 2, mình chỉ nộp Chevening và SI. Kết quả là mình đã giành được một suất SI và lên đường sang Thụy Điển du học.
Đôi nét về học bổng SI và quy trình apply
Các thông tin về học bổng các bạn có thể tìm đọc từ rất nhiều bài viết trên mạng. Quan điểm chủ quan của mình về SISS so với các học bổng khác chính là quy trình nhanh gọn nhất.
Nhanh
Quy trình chỉ có 2 vòng nộp online. Thời gian có kết quả của mỗi vòng cực ngắn.
- Vòng 1: 1/12/2016 đến 16/1/2017 đến tầm cuối tháng 1 là có kết quả
- Vòng 2: 1-10/2/17 và có kết quả vào 10/4/17
Thời gian có kết quả chính xác đến từng ngày, không giống một số học bổng khác nói chung chung là đầu tháng X. Cảm giác chờ đợi mà biết chính xác ngày chắc chắn là sướng hơn việc suốt ngày F5 hộp thư để xem status trên hệ thống rồi.
Gọn
Cũng chính vì thời gian hoàn thanh hồ sơ khá là ngắn ngủi nên số lượng các câu luận của SISS ở 2 vòng đều ngắn gọn. Giới hạn trong số lượng câu chữ cũng khá ít. Đặc biệt, học bổng này không có bất kì ưu tiên cho khối nào nhà nước hay tư nhân.
Để giành được học bổng, bạn cần gì?
1. Thái độ nghiêm túc
Đối với mình, thái độ có lẽ là điều quan trọng nhất vì nó quyết định các hành vi sau đó. Mùa đầu tiên mình apply học bổng SI với thái độ thờ ơ. Thấy vòng 1 chỉ hỏi vài câu với số từ cực kì hạn chế, mình tặc lưỡi viết cho xong để nộp. Lúc ấy đang mùa cao điểm của nghề kiểm toán nên viết lách độ 2-3 giờ rồi nộp luôn. Nộp xong mình cũng không mong đợi gì, tâm lý qua loa. Tất nhiên là tạch.
Mùa thứ 2, mình viết với thái độ cực kì nghiêm túc. Với quyết tâm phải qua được vòng này, mình chăm chút câu chữ, gọt dũa sao cho các câu trả lời cô đọng nhất. Mình cũng bắt đầu lên mạng tìm đọc các bài viết về kinh nghiệm săn SI. Các bạn thử tính xem giá trị mỗi từ mình viết trong application lớn như thế nào nhé! Nếu chia số tiền học bổng trên tổng số từ tối đa mà các câu hỏi yêu cầu, chẳng phải mỗi chữ đều là “chữ vàng, chữ bạc” ư? Như vậy nhất định phải có một thái độ nghiêm túc bởi chẳng ai muốn trao số tiền lớn đến vậy cho một người hời hợt.
2. Định hướng rõ ràng
Tương tự như trên, chẳng ai cho bạn cả tỷ đồng để học xong mà không biết mình sẽ làm gì. Vậy nên hãy trả lời bản thân bạn sẽ làm gì sau khi học xong trong ngắn hạn và dài hạn.
Bản thân mình cũng vậy. Thậm chí, khi chọn học Master trái ngành, mình càng phải cố gắng có câu trả lời thuyết phục hơn. Mình làm kiểm toán ở EY hơn 3 năm, nhưng lại đi apply ngành Kinh tế Nông nghiệp. Chỉ vì “một ngày đẹp trời”, mình chợt muốn hiểu hơn về nông nghiệp và quản lý các dự án nông nghiệp hiệu quả hơn. Mình bắt đầu thích nông nghiệp từ đó. Mình quyết định nghỉ EY và may mắn được làm việc cho 1 start-up về nông nghiệp. Nhờ đó, mình có nhiều thứ để kể hơn trong bài viết. Định hướng nghề nghiệp cũng rõ ràng hơn. Mặc dù tại thời điểm apply, mình chỉ vừa chân ướt chân ráo bước vào nông trại.
Điều đúc kết ở đây là gì? Học trái ngành không phải rào cản nếu bạn có 1 con đường nghề nghiệp rõ ràng và thực sự từng bước theo đuổi nó. Khi các bạn đã thuyết phục được bản thân, bạn sẽ tìm được cách thuyết phục hội đồng xét tuyển.
3. “Biến hóa”
Với mình, xin học bổng là cả một quá trình hoàn thiện bản thân. Ở đó, mình nỗ lực để đáp ứng những tố chất mà học bổng tìm kiếm. Nhiều người vẫn nghĩ rằng ai có học bổng đều học giỏi, có nền tảng tốt. Điều này đúng những cá nhân có thành tích “đỉnh”; tuy nhiên rất nhiều người đạt học bổng hoàn toàn không có thành tích nổi trội. Họ chỉ là người phù hợp nhất với tiêu chí của học bổng mà thôi.
Cụ thể, trong chính tiêu chí xét duyệt của SI cũng nói rõ: “Scholarships are awarded through a rigorous selection process based on the relevance and quality of each application. Academic merits are not taken into consideration.”
Vậy nên, nếu họ muốn tìm thấy ở bạn khả năng lãnh đạo hay tiềm năng trở thành nhà lãnh đạo tương lai thì ít nhất tại thời điểm xin học bổng hãy thể hiện điều này. Nếu chưa phải là một lãnh đạo, hãy tìm những câu chuyện trong công việc hoặc học tập chứng minh được khả năng lãnh đạo của bạn trong tương lại.
4. May mắn
Yếu tố này dù ít dù nhiều chắc chắn phải có. Với mình, có lẽ may mắn là vừa đủ.
Cung bậc cảm xúc xin học bổng
1. Mùa ra quân đầu tiên
1.1. Công việc bận rộn
Ai làm kiểm toán có lẽ sẽ hiểu cảm giác bận rộn đợt kiểm toán cuối năm. Đợt apply 2015 trùng đúng với lịch kiểm toán cuối năm của các khách hàng. Phải nói có những lúc rơi vào khủng hoảng. Cái cảnh làm file chưa xong, số chưa đâu với đâu, dealine kề cổ, ấy vậy mà một ngày ít nhất phải dành 30 phút đến 1 tiếng để đọc và viết hồ sơ. Đều đặn như vậy với suy nghĩ tích tiểu thành đại, mình chuẩn bị hỗ sơ mỗi ngày một chút cho đến lúc nộp xong. Tuy nhiên, mùa đầu mình chỉ đầu tư cho “hai đứa con ruột” là EM và Chevening. Con rơi SI thì thờ ơ, hờ hững.
Viết xong hồ sơ, mình dùng tất cả các mối quan hệ mà mình có để nhờ góp ý. Mình đã chỉnh đi chỉnh lại không biết bao nhiêu phiên bản. Ở đoạn này đúng nghĩa là “đẹp trai không bằng chai mặt”. Có những người mình không quen biết chi cho nhiều nhưng vẫn tặc lưỡi “trước lạ sau quen”. Mình mạnh dạn nhắn tin Facebook và hỏi những điều mình thắc mắc về học bổng, LOR. May mắn là các anh, chị trả lời rất nhiệt tình. Thậm chí, có người còn review bài viết hộ nữa.
1.2. Cái gì cũng dở dang
Mình cũng đã nướng cả mớ tiền cho việc thi IELTS. Bởi vì lúc mình thi là phí thi tăng lên cỡ 4tr5. Lần đầu thi chỉ được 6.5 và các kĩ năng không đồng đều nên mình mò mẫm ôn thi lần 2. Thời điểm này mình còn chưa xong chương trình ACCA, nên phải gác lại ACCA một thời gian để tập trung cho học và thi IELTS. Sau đó chừng 1-2 tháng, mình lên được mốc 7.0.
Nhiều lúc nghĩ lại thấy cái gì cũng dở dang. ACCA chưa học dứt, hồ sơ còn te tua, dealine báo cáo cho khách hàng ngập trên đầu, mình quả thực rất đuối. Cách giải quyết của mình là tập thể dục và tìm một người bạn đồng hành. Mình có một đứa sẵn sàng nghe mình than vãn, kêu ca về những áp lực công việc và học tập.
1.3. Kết quả của mùa đầu
Được vô phỏng vấn Chevening và vô phỏng vấn với bên trường của Irish Aid.
Còn lại thì tay trắng.
2. Mùa thứ 2 ra trận
2.1. Chuẩn bị sẵn sàng
Kỳ apply 2016 có vẻ dễ chịu hơn. Lúc này, điểm IELTS và ACCA đã cán đích như mong muốn. Mình cũng rút được một mớ kinh nghiệm xương máu của năm đầu, đặc biệt là sau khi trượt vòng phỏng vấn của Chevening. Những câu hỏi từ ban phỏng vấn giúp mình sáng tỏ nhiều thứ. Vì vậy, năm nay mình bắt đầu hiểu ra hồ sơ mình thiếu những “chất liệu” nào.
Ngay khi còn làm ở EY, mình quyết định tìm kiếm các cơ hội được kiểm toán các doanh nghệp làm nông nghiệp. Sau đó, mình quyết định nghỉ EY và tìm một công ty nông nghiệp để dấn thân. Chính vì thế, mình cảm thấy các bài SOP kỳ này của mình đáng đọc hơn. Ít nhất mình đã tự thuyết phục được mình. Mùa này, mình chỉ tập trung nộp SI và Chevening. Kết quả là SI qua được vòng 1 và Chevening cũng được gọi phỏng vấn.
2.2. Lên kế hoạch và dồn tâm sức
Vòng 2 của SI cực kì hạn chế về thời gian (chỉ trong vòng 10 ngày). Chỉ vài ngày sau khi có kết quả vòng 1, website của SI đã có đầy đủ các yêu cầu của vòng 2. Thời điểm này đúng Tết âm lịch Việt Nam nên nhiều người sẽ rất bận. Thời gian hạn hẹp như vậy nên kinh nghiệm là bạn nào qua vòng 1 hãy tìm hiểu luôn vòng 2 các năm trước như thế nào. Bạn có thể chuẩn bị sẵn SOP, chứng nhận công việc, xin dấu LOR. CV theo template Europass nên cũng có thể chuẩn bị sẵn.
Mình khai bút bắt đầu từ mùng 2 Tết và coi như Tết năm đó là ăn ngủ với mớ câu hỏi của SI. Do sợ khối lượng hồ sơ đông và bên SI cũng nhắc nộp sợ sớm kẻo kẹt hệ thống nên trước dealine đâu đó tầm 2 ngày mình đã gửi hồ sơ đi rồi.
2.3. Kết quả
SISS có timeline cực kì rõ ràng. Năm đó họ báo chính xác ngày 10/4 có kết quả là đúng ngày đó kết quả hiện trên website. Trong suốt 2 tháng chờ đợi, nhất là những ngày cận kề, mình liên tục lên website, vô Facebook của SISS nhưng phải đúng ngày mới có tin. Khổ nỗi cái mail báo kết quả không rơi vô nhóm “important”. Mình táy máy vào mục “everything else” (vì nghĩ SI gửi mail hàng loạt) để check thử.
Cái tiêu đề thư làm mình hoa mắt! Cái gì mà Swedish, cái gì mà successful! Đúng là tim đập chân run, mình mở mail ra mà chỉ muốn hét lên! Chẳng thể nào tin vào mắt mình, mình phải chụp màn hình gửi cho con bạn thân. Nó còn bảo mình là nó đọc thấy có từ successful là biết đậu rồi, mấy cái kia nó kệ. Làm mình vẫn còn hoang mang, chuyển tiếp mail cho con bạn khác kiểm tra. Lần này thì đảm bảo 100% là đậu rồi.
Giây phút này và thứ cảm giác này thật không thể nào mà tả nổi và cảm giác đó nó còn kéo theo dư âm cả tuần sau đó. Mình đã đọc đi đọc lại cái mail đó không biết bao nhiêu lần, bây giờ thuộc luôn rồi cũng nên.
2.4. Sẵn sàng bắt đầu hành trình mới
Những tháng ngày theo đuổi học bổng quả thật rất đáng nhớ! Mặc cho những tốn kém vô hình và hữu hình từ tiền của, thời gian đến công sức, mình vẫn thấy rất đáng. Bởi vì, trước hết đó là cơ hội mình nhìn nhận lại bản thân, xác định mục tiêu phấn đấu. Sau là quãng thời gian thực sự được theo đuổi một ước mơ, khát vọng. Sắp tới sẽ là những tháng ngày chu du trời Âu. Với mình kết quả tích cực từ học bổng chỉ là bước khởi đầu của một chặng đường mới. Hành trình này sẽ còn tiếp tục.
“Bao giờ lấy chồng?”
Nếu bạn là con gái, có lẽ một lúc nào đó các bạn cũng sẽ nhận được câu hỏi này. Hoặc vài người sẽ hỏi đùa học cao làm gì để khó lấy chồng. Với mình, cuộc đời vốn dĩ là 1 cuộc phiêu lưu, vậy nên hãy sống cho hiện tại. Du học nghĩa là vừa “du” vừa “học”. Nếu xét về vật chất, có thể lúc mình xách balo sang trời Tây và khi về vẫn là 1 kẻ vô sản. Nhưng xét về trải nghiệm, những tháng ngày đó chắc chắn sẽ vô cùng quý báu mà không phải cứ có tiền là mua được.
Mình ngồi viết những dòng này lúc mình vừa xin nghỉ công việc hiện tại và đang tận hưởng một khoảng thời gian rảnh rỗi cho bản thân trước khi bước vào cuộc hành trình mới. Thông qua bài viết này, mình muốn gửi lời cám ơn tất cả các anh, chị, bè bạn, thầy cô, đồng nghiệp đã hỗ trợ mình. Cảm ơn những người nhẫn nại đọc bài SOP, kí cả xấp LOR, giúp xin con dấu và chữ kí. Cảm ơn những lời an ủi đến đúng lúc mình muốn từ bỏ nhất.
Cuối cùng, chúc cho các bạn đủ quyết tâm, nỗ lực và may mắn để biến giấc mơ du học thành hiện thực! Hãy có những bước chuẩn bị từ giờ từ tinh thần cho đến tài chính. Hi vọng bài viết giúp ích đôi chút cho những ai muốn một lần được xướng tên trong danh sách học bổng SI.
Tác giả: Nota – TF, Thạc sĩ trường SLU, Thụy Điển
Hiệu chỉnh: Fall in Fika
Minh Thắng Hoàng says
Quá xuất sắc! Chúc bạn luôn thành công nhé!
ThuyLinh says
Cảm ơn bài viết của chị đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm và cảm hứng cho mọi người.