Thụy Điển luôn nằm trong top những quốc gia có mức chi phí sinh hoạt “đắt đỏ”. Đắt – đúng, nhưng nếu Đỏ – bạn sẽ thấy quốc gia này có những thứ Rẻ và Miễn Phí.
Chi phí sinh hoạt ở Thụy Điển đắt như thế nào?
Mình nhớ ngày mới sang Na Uy học trao đổi, mình bị shock nặng vì giá cả đắt gấp rưỡi Thụy Điển. Người bản địa thường nói đùa “Ở Thụy Điển rồi đi đâu cũng thấy rẻ, trừ khi sang Na Uy”. Điều này hoàn toàn đúng. Tạm bỏ Na Uy sang một bên, vậy chi tiêu ở Thụy Điển đắt đến mức nào?
Trong top các thành phố có mức chi phí sinh hoạt đắt đỏ nhất thế giới, Thụy Điển không hề có tên bất kỳ thành phố nào. Tuy nhiên, bạn có thể tham khảo chi tiêu tại Stockholm để thấy mức sinh hoạt phí hàng tháng ở đây không hề rẻ. Đối với sinh viên quốc tế, mình cũng đã có bài chia sẻ mức chi tiêu trung bình theo tháng. Con số dao động trong khoảng 6500-9000SEK tùy vào thành phố nơi bạn sống. Nếu ở thủ đô Stockholm, chi phí có thể cao hơn do tiền thuê nhà cao.
Chi phí sinh hoạt hàng tháng khi sống tại Thụy Điển
Bài viết chi tiết mình chia sẻ tại đây. Thông thường tiền nhà, tiền đi lại và tiền ăn là 3 khoản tiêu lớn nhất trong tháng.
Hạng mục | Số tiền | |
1 | Thuê nhà (Accommodation) | 5000 SEK (có thể đắt hơn cả các thành phố lớn) |
2 | Tiền ăn (Food) | 1600 -2000 SEK |
3 | Đi lại (Local travel/Commute) | 1000 SEK |
4 | Other (tài liệu học, networking, vui chơi bạn bè, membership, internet,…) | 2000 SEK |
TOTAL | 10000SEK |
Sau đây, mình sẽ chỉ ra những cái Đắt, Rẻ và Miễn phí ở Thụy Điển
1. Những chi phí sinh hoạt đắt nhất ở Thụy Điển
1.1. Tiền thuê nhà
Tùy thuộc vào kiểu nhà ký túc, căn hộ hay nhà riêng mà mức giá thuê khác nhau. Giá nhà ở thành phố nhỏ sẽ thấp hơn ở những thành phố lớn như Stockholm, Gothenburg. Một số yếu tố bạn cần cân nhắc khi thuê nhà:
- Nếu là sinh viên, hãy ưu tiên đăng ký ở trong ký túc xá. Giá phòng rất tốt và bạn được đảm bảo có phòng. Việc tìm chỗ thuê ở ngoài không dễ dàng chút nào.
- Khi thuê, bạn nên đọc mô tả phòng/ căn hộ thật kỹ. Phòng có nội thất hay phòng trống? Địa điểm căn hộ ở đâu, có trong khu vực nguy hiểm không? Các tiện ích đi kèm như: phòng giặt, phòng xông hơi, phòng giải trí (nếu có). Xung quanh có gần bến xe, bến tàu không? Chi phí điện, nước thường sẽ được tính chung trong tiền nhà, tuy nhiên hãy kiểm tra kỹ nếu bạn thuê nhà ngoài nhé.
- Tiền đặt cọc nhà: tuyệt đối không đặt cọc khi chưa xem nhà hay biết chắc chắn trông tin. Tránh thuê nhà qua tay, chợ đen, vì quyền lợi thuê không đảm bảo.
1.2. Các loại dịch vụ
Ở Thụy Điển, mọi thứ liên quan đến dịch vụ đều đắt đỏ. Ví dụ, ăn ngoài tiệm, giá thành sẽ cao hơn rất nhiều so với tự nấu. Bạn có thể so sánh một bát phở nhà làm và một bát phở ngoài quán ở Việt Nam. Giá thành không chênh lệch quá nhiều, thậm chí, đồ tự nấu có thể tốn kém hơn. Tuy nhiên, ở Thụy Điển, bạn vào tiệm và mua một dịch vụ, mọi thứ đều đắt hơn khoảng 5 lần so với giá “tự thân”. Một chiếc bánh bán trong tiệm cafe cũng có thể đắt gấp 5 lần chiếc bánh đó bán trong giỏ bánh của siêu thị. Bạn đâu vào tiệm cafe để mua bánh phải không? Bạn còn mua cả chỗ ngồi, không gian, và cảm giác fika cơ mà.
Các dịch vụ khác có giá cao như: sửa chữa, cắt tóc, đồ thủ công, đồ thiết kế, sáng tác nghệ thuật. Vì vậy, nếu khéo tay một chút, bạn không chỉ tiết kiệm được khối tiền, mà có khi còn kiếm được việc làm thêm nữa đó.
1.3. Chi phí y tế ngoài bảo hiểm
Là sinh viên quốc tế hoặc người đi làm, bạn thường đã được trường/ công ty chi trả bảo hiểm. Do vậy, bạn sẽ bất ngờ khi biết chi phí bạn phải trả ngoài bảo hiểm. Ví dụ, nha khoa không được tính trong gói bảo hiểm của sinh viên quốc tế. Nếu bạn chẳng may đau răng đến mức phải nhổ hay điều trị, hãy sẵn sàng trả vài ngàn SEK cho một chiếc răng. Đôi khi chiếc răng đó đáng giá cả một chuyến bay khứ hồi về Việt Nam luôn.
2. Cái gì rẻ ở Thụy Điển
Bên cạnh những thứ rất đắt, một số thứ ở Thụy Điển lại có giá cả rất phải chăng.
2.1. Thực phẩm
Nói thực phẩm Thụy Điển rẻ so với Việt Nam thì không đúng. Tuy nhiên, một số mặt hàng giá khá mềm như: thịt lợn, thịt gà, sữa bò, phô mai, các loại pasta, đồ đông lạnh, trái cây hoặc rau củ theo mùa.
Nếu bạn tự nấu nướng và là người dễ ăn, bạn sẽ thấy phần tiền ăn không quá đắt đỏ. Một số tips của mình để tiết kiệm chi phí ăn uống là:
- Chọn thực phẩm theo mùa tại địa phương. Mỗi mùa đều có những món rất ngon và rẻ. Điển hình như khoai tây và bắp cải, có những lúc rẻ như cho không. Trái cây cũng vậy, vào mùa hè bạn sẽ mua được những hộp dâu và cherry cực tươi ngon với giá rất bèo. Thậm chí, bạn có thể vặt dọc đường hoặc thu hoạch tại các vườn dâu.
- Luôn theo dõi ưu đãi siêu thị, dùng các app giảm giá hoặc thẻ sinh viên. Mỗi đồng tiền bạn tiết kiệm được tưởng chừng nhỏ nhưng lại góp phần giảm chi tiêu hàng tháng. Bỏ túi ngay: thẻ siêu thị ICA, Willys; app Mecenat; các group Sell and Buy hoặc Free Food của sinh viên.
- Đừng bỏ phí chai, lọ có thể tái chế. Ở Thụy Điển, trên thân một số loại đồ uống có ghi rõ liệu chai, lọ đó có đổi trả vỏ được không. Mỗi chai, lọ có thể đổi được 1-3 SEK. Mình thường tích lại sau vài tháng hoặc thu lại sau những buổi tiệc/ liên hoan để đổi vỏ tại siêu thị. Tiền đổi vỏ dùng để mua bánh mì, hoặc trừ thẳng vào hóa đơn siêu thị.
2.2. Đồ secondhand
Thụy Điển nổi tiếng với văn hóa dùng đồ cũ. Bạn có thể kiếm những món đồ cũ hữu ích tại cửa hàng với giá rẻ. Sau khi dùng bạn có thể quyên góp lại hoặc bán lại cho sinh viên khóa sau. Mình đã mua kha khá món đồ cũ ở Thụy Điển, phần lớn chúng đều còn dùng tốt và trông khá mới. Các món mình đã mua là: nồi cơm điện, quần áo, một vài món gia dụng, giày.
Tips: tham gia group Sell and Buy của sinh viên, theo dõi các hoạt động Garage Sale, Free Store. Lưu ý đừng nên tham lam mua những đồ mình không cần chỉ vì giá rẻ, bạn sẽ sớm vứt chúng đi thôi.
Những quán đồ second hand ở Thụy Điển mình từng ghé qua
2.3. Những món đồ bền vững
Những món đồ tốt giá mua lần đầu không hề rẻ, nhưng nếu bạn sử dụng lâu dài sẽ thấy rất xứng đáng. Một ví dụ rõ nhất là quần áo lạnh. Bạn hãy tìm mua một chiếc áo khoác chất lượng tốt, có khả năng chống gió, chống nước, không quá nặng. Chiếc áo đó sẽ bằng giá của 5 chiếc áo rẻ tiền khác nhưng giúp bạn sống tốt qua mùa đông mà chẳng lo nghĩ thêm gì. Mình đã từng săn được một chiếc áo như vậy của tiệm đồ thể thao trẻ em. Ngày rời khỏi Thụy Điển, mình bán lại chiếc áo đó với giá rất tốt.
3. Tiết kiệm chi phí sinh hoạt bằng những thứ miễn phí
Chính xác là chẳng có thứ gì miễn phí cả, bởi Thụy Điển đã đạt đến mô hình cân bằng. Tiền thuế người dân đóng đủ chi trả rất nhiều khoản dịch vụ nên bạn có thể tiết kiệm chi phí sinh hoạt bằng một số thứ “miễn phí”:
3.1. Dịch vụ y tế
Nhiều dịch vụ y tế ở Thụy Điển hoàn toàn miễn phí. Mình cũng từng đi khám sức khỏe ở đây và đưa người đi khám. Tuy dịch vụ y tế Thụy Điển hơi chậm chạp, các bác sĩ, y tá khá ân cần và dịu dàng. Mình chỉ cần đọc số personal number, khám và ra về.
Các bạn nữ đi học dưới 26 tuổi còn được tiêm HPV miễn phí. Thông tin này có thể thay đổi theo năm bạn đi học, tuy nhiên, năm của mình là vậy.
3.2. Nước lọc uống từ vòi
Nước uống từ vòi đủ tiêu chuẩn an toàn nên mọi người có thể uống trực tiếp. Do vậy, khi gọi nước lọc ở quầy, bạn hãy nhớ tap water là hoàn toàn miễn phí, chỉ có sparkling water trong chai mới mất tiền.
Ngoài nước lọc thì ở nhiều CLB sinh viên cũng có cafe miễn phí. Thỉnh thoảng, các bạn còn phục vụ cả bánh quy, chocolate nóng nếu có buổi học nhóm.
3.3. Sách, vở tài liệu học tại thư viện
Thư viện cung cấp một kho sách khổng lồ hoàn toàn miễn phí cho sinh viên. Ngoài những cuốn có trong thư viện, bạn có thể tìm đọc tài liệu online. Đặc biệt, nếu bạn scan tài liệu ở trường, bạn cũng không mất tiền. Mình đặc biệt thích điều này vì sinh viên sẽ thích scan hơn photo (giá photo khá đắt). Các bạn hiểu rằng, việc sử dụng quá nhiều giấy sẽ ảnh hưởng đến môi trường, nếu không cần thiết in thì hãy đọc trên máy tính.
3.4. Thiên nhiên miễn phí
Các khu bảo tổn thiên nhiên, khu rừng hay đơn giản chỉ là công viên ở Thụy Điển đều mở rộng cửa. Mọi người không mất tiền để có thể tận hưởng bầu không khí trong lành chung. Đây cũng là một phần của văn hóa allemansrätten – quyền được cắm trại ở bất kỳ nơi nào trong tự nhiên, miễn là bạn giữ một khoảng cách tối thiểu với nhà dân và không ở gần khu đất nông nghiệp. Thật tuyệt vời phải không nào?
Kết bài
Mình tin chi phí sinh hoạt ở Thụy Điển không quá đắt đỏ, nếu bạn biết cân đối và tận dụng các nguồn tiền. Các cụ có câu “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, các bạn sinh viên chỉ cần để ý một chút là no ấm rồi. Khi đi làm, bạn sẽ thấy mức chi tiêu ở đây hoàn toàn không đắt so với thu nhập. Ngoài ra, bạn có thể mang sẵn một số món đồ từ Việt Nam. Hãy tham khảo Danh sách những đồ cần mang khi du học. Nếu có thắc mắc gì, hãy comment cho mình biết nhé!
[…] có thể tham khảo thêm bài viết: Đắt, Rẻ và Miễn phí ở Thụy Điển để biết mức sống ở đây cũng không cao một cách vô […]