Cuộc sống hiện đại khiến chúng ta thừa rất nhiều thứ, nhưng tôi chưa từng thấy ai thừa thời gian để ngủ.
Giấc ngủ là nền tảng của sức khỏe
Tôi bắt đầu làm việc nhà khi tình hình dịch trở nên phức tạp. Trong suốt 2 tháng làm việc tại nhà, mỗi ngày tôi tiết kiệm được khoảng 1 tiếng di chuyển trên đường. Thời gian đầu, tôi tính thời gian đó sẽ tận dụng để viết lách, nấu nướng, đọc sách và thực hiện một vài dự định khác. Ngoài các công việc kể trên, tôi còn có thêm một chút thời gian để ngủ.
Có thể các bạn sẽ cười và nghĩ tôi không làm được gì nên mới đi ngủ. Người ta chỉ ngủ khi đã hoàn thành xong việc. Bởi ngủ giống như một việc phí phạm thời gian vậy. Tôi từng nghĩ thế cho đến khi tôi đọc cuốn “Sao chúng ta lại ngủ?” của Matthew Walker. Đây là cuốn sách khoa học hay nhất về giấc ngủ tôi từng đọc. Bạn có thể đọc bài Review sách “Sao chúng ta lại ngủ?” của tôi tại đây.
Chính thời gian được ngủ thêm mỗi ngày một chút cùng với cuốn sách “Sao chúng ta lại ngủ?” giúp tôi nhận ra tầm quan trọng của giấc ngủ. Tôi bắt đầu đọc nhiều hơn về sức khỏe giấc ngủ và viết về chủ đề này. Càng tìm kiếm kiến thức, tôi càng nhận ra sự thờ ơ đáng kinh ngạc của mọi người đối với giấc ngủ. Gần như chúng ta chỉ quan tâm tới cuộc sống lúc thức mà không nhận ra, cùng với dinh dưỡng và luyện tập, giấc ngủ là nền tảng quan trọng nhất của sức khỏe.
Cuộc sống bắt đầu từ giấc ngủ
Có một lý thuyết được nhiều nhà khoa học trên thế giới đề cập đến khi nghiên cứu về sự phát triển của loài người. Đó là mọi em bé chào đời đều là những em bé sinh non. Để em bé thực sự lớn và phát triển đủ tuổi sinh, giấc ngủ là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Vì vậy, thời gian ngủ của những em bé có thể kéo dài đến 20 tiếng mỗi ngày trong vài tuần đầu tiên.
Bạn cũng có thể thấy hiện tượng tương tự ở chó, mèo – những con vật nuôi trong nhà. Chó con và mèo con không mở mắt ngay sau khi sinh vì chúng chưa thực sự phát triển đủ. Trong những tuần đầu tiên, gần như chúng dành phần lớn thời gian để ngủ và chỉ thức dậy để bú mẹ.
Trong cuốn “Sao chúng ta lại ngủ?”, Matthew Walker cũng giải thích khá rõ phần này. Tác giả khẳng định rằng giấc ngủ của con người được hình thành từ ngay trong bụng mẹ. Nghĩa là khi sự sống được xác định, giấc ngủ đã là một phần không thể thiếu. Một người bình thường có thể nhịn ăn lâu hơn là nhịn ngủ. Thiếu ngủ liên tục nhiều ngày, bạn sẽ chết.
Có thể nói, cuộc sống bắt đầu từ chính giấc ngủ.
Ai cũng có thể cải thiện giấc ngủ của mình
Nếu giấc ngủ có vai trò quan trọng như vậy và thời gian ngủ chiếm ít nhất 1/4 đến 1/3 cuộc đời, tại sao chúng ta không sống trọn vẹn cho khoảng thời gian này?
Những vấn đề về giấc ngủ mà bạn có thể không để ý
Thử tưởng tượng nếu bạn sinh hoạt cùng phòng với một người có giờ sinh hoạt quá chênh lệch. Ví dụ một người là cú đêm (night owl) và một người là chiền chiện sớm (early bird). Khi chiền chiện đi ngủ, cú đêm mới bắt đầu làm việc tập trung. Tiếng gõ máy tính, ánh đèn sáng có làm bạn khó chịu không?
Vợ chồng tôi có nhịp sinh hoạt khá tương đồng. Tuy nhiên, tôi là người cực dễ ngủ còn chồng tôi, là người rất thính ngủ. Buổi sáng chỉ cần trời tờ mờ sáng anh đã thức giấc. Nửa đêm, nếu một trong hai người có thức dậy đi vệ sinh, anh cũng tỉnh và không ngủ lại được.
Một vài người bạn của tôi chia sẻ họ bắt đầu cuộc chiến nuôi con với sự thiếu ngủ trầm trọng. Giấc ngủ của một người trưởng thành bị phân mảnh để phù hợp với lịch ăn, ngủ, chơi của các em bé. Sự rối loạn lịch trình này có thể kéo dài hàng tháng trời, thậm chí hàng năm. Có những ông bố, bà mẹ chỉ thực sự ngủ được 4 tiếng một ngày vì không phải em bé nào cũng có giấc ngủ thiên thần.
Một số người khác buộc phải ngủ trái giờ do tính chất công việc. Mẹ chồng tôi có những đêm thức trắng đỡ đẻ ở trạm xá, bạn tôi có những ca trực tòa soạn. Một vài người làm bác sĩ, hoặc chạy dự án với đối tác nước ngoài khác múi giờ. Mỗi người đều có những lý do để chỉ ngủ khi có thời gian. Và thời gian là thứ chúng ta luôn cảm thấy thiếu.
Làm chủ giấc ngủ của mình
Trong quá trình phát triển, con người luôn bị phụ thuộc. Chúng ta phụ thuộc dinh dưỡng từ bên ngoài và phải đi kiếm ăn để sinh tồn. Chúng ta cần môi trường (không khí, nước, nhà) để ở. Chỉ có giấc ngủ là thứ chúng ta hoàn toàn chủ động thực hiện được. Những người đói cũng ngủ, những người không có nhà cũng cần ngủ. Điều đó cũng có nghĩa mỗi người đều có thể chủ động cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Càng những thứ chúng ta dễ thực hiện, chúng ta lại càng ít quan tâm để ý đến chất lượng của chúng. Chuyện đi ngủ cũng vậy. Gần như chúng ta chỉ để mặc cơ thể chìm vào giấc ngủ, hoàn thành các nhiệm vụ phục hồi, và thức dậy. Nhiều người bắt đầu tính tổng thời gian mình ngủ được và có thể “ngủ bù” như việc trả một khoản vay khi có thời gian. Sự thật thì không đơn giản như vậy. Cơ thể và trí não khỏe mạnh khi chúng ta ngủ đủ và ngủ ngon. Tức là cả chất và lượng ngủ đều được cải thiện.
Chúng ta có thể làm chủ được giấc ngủ nếu thực sự để tâm đến nó. Bạn sẽ cần một chút kỹ năng quản lý thời gian, và quản lý chính bản thân mình để đạt được điều này. Chuẩn bị một chỗ ngủ thật thoải mái, giải phóng những lo âu, thả lỏng cơ thể. Và ngủ.
Sống vừa đủ bắt đầu bằng việc ngủ đủ
Theo đuổi lối sống vừa đủ, tôi nhận ra bên cạnh việc giảm những thứ thừa thãi, mình còn cần làm đầy những thứ còn thiếu. Giấc ngủ là điều cơ bản nhất mà tôi tin ai cũng có thể bắt đầu làm đầy.
Nếu bạn đang muốn biết thêm về sức khỏe giấc ngủ, hãy theo dõi Fall in Sleep trên các nền tảng:
Tôi xây dựng Cộng đồng Hiểu về giấc ngủ từ tháng 7 năm 2021. Thông qua cộng đồng này, tôi mong muốn chia sẻ những kiến thức hữu ích về sức khỏe giấc ngủ. Đồng thời, có thể truyền cảm hứng về chủ đề giấc ngủ tới nhiều người hơn nữa. Bạn có thể tham gia ngay để đọc và đóng góp các bài viết hoàn toàn miễn phí.
Hi vọng các bạn sẽ bắt đầu để ý đến giấc ngủ của mình ngay từ hôm nay.
Leave a Reply