Mỗi dịp ngày đẹp, các sàn thương mại điện tử đều tung ra hàng loạt hình thức kích cầu, thôi thúc người tiêu dùng đốt càng nhiều tiền càng tốt. Nếu không xác định rõ bản thân đang thiếu hay cần cụ thể một món đồ gì, chúng ta dễ dàng trở thành nạn nhân của những cơn bão giảm giá. Mua về những món đồ không cần để lãng quên những thứ thật sự hữu ích, con người tự đẩy mình rơi vào vòng xoáy của vật chất, đồ đạc.
Tôi cũng từng điên cuồng săn sale. Tuy nhiên, bài viết này không nhằm phản đối làn sóng mua sắm online mà để phân định ranh giới giữa “đủ” và “thừa”. Tôi tin khi biết sống vừa đủ, chúng ta có thể đứng ngoài mọi cuộc săn.
Thế nào là sống vừa đủ?
Trong tiếng Thụy Điển, có một từ mà tôi rất thích, đó là lagom.
Lagom nghĩa là vừa đủ, không nhiều, không ít. Không chỉ dùng để mô tả định lượng các thứ trong cuộc sống như café, gia vị, màu sắc, Lagom còn là phong cách sống của người Thụy Điển. Văn hóa này đã nhanh chóng lan tỏa và được ưa chuộng trên thế giới. Bản thân tôi thích “vừa đủ” hơn “tối giản” bởi cách sống này không dạy tôi vứt bỏ đồ đạc hay trở nên cực đoan với vật chất.
Tuy nhiên, “vừa đủ” là một khái niệm chủ quan. Tham lam, sân si vốn là một trong những tội lỗi con người dễ mắc phải. Vậy như thế nào là đủ?
1. Đủ vật chất
Một trong những bài học cơ bản nhất về chi tiêu đó là phân biệt Nhu cầu và Mong muốn.
Nhu cầu (needs) là những thứ thiết yếu cho cuộc sống mà nếu thiếu đi, chất lượng cuộc sống sẽ bị ảnh hưởng. Ví dụ: nhu cầu cơ bản của con người là ăn uống, ngủ nghỉ, làm việc,… Các chi tiêu cho nhu cầu sẽ là thực phẩm, nước uống, máy tính, điện thoại, v.v.
Mong muốn (wants) là những thứ mình đang rất thích nhưng có thể không cần ngay. Nếu không có chúng, cuộc sống hàng ngày không bị ảnh hưởng. Ví dụ: tôi muốn mua một chiếc máy ảnh. Hiển nhiên, thiếu máy ảnh cuộc sống của mình vẫn ổn. Tôi có thể chụp ảnh bằng điện thoại.
Một khái niệm nữa tôi cũng muốn nhắc tới là demands. Thuật ngữ này trong marketing chỉ nhu cầu cụ thể cho một mặt hàng nhất định. Nói cách khác, demands là thứ người tiêu dùng đã biết chính xác và có khả năng chi trả. Bất kể nó xuất phát từ nhu cầu hay mong muốn.
Ví dụ, khi muốn mua một chiếc máy ảnh, tôi cân nhắc rất nhiều. Sau khi biết chắc chắn loại máy ảnh, màu sắc, giá cả, thì Mong muốn của tôi chuyển thành Demands.
Như vậy, cái bẫy mua sắm chỉ dễ sập đối với người không phân định được Nhu cầu và Mong muốn. Để sống vừa đủ, chúng ta cần biết đâu là cái thực sự cần, cái nào chỉ là mong muốn.
Kiểm soát nhu cầu và mong muốn
Tôi không từ chối mong muốn của mình, mà để chúng vào danh sách chờ. Những món đồ này cần cân nhắc kỹ và tôi cho bản thân thời gian cân nhắc. Khi không bị những chiếc đồng hồ đếm ngược của cơn bão giảm giá hối thúc, tôi cân nhắc chúng dựa trên nhu cầu của chính mình.
Bạn hãy nhớ rằng với Nhu cầu, dù giảm giá hay không cũng phải mua. Mong muốn là nhất thời. Với những món đồ đã có thể chờ, lỡ một đợt giảm này còn có đợt giảm khác. Và biết đâu khi đợt giảm khác tới, bạn sẽ nhận không còn muốn nó nữa.
2. Đủ tinh thần
Biết đủ về mặt tinh thần rất khó để định nghĩa. Cảm giác “không có thì thiếu, mà có lại chẳng cần” có thể giải quyết ở phương diện đồ vật, nhưng ở khía cạnh tinh thần, bạn cần hoàn toàn làm chủ mình.
Đủ về mặt tinh thần đặc biệt quan trọng trong cuộc sống bình thường mới. Đặc biệt, trong những ngày giãn cách, chúng ta cảm thấy thiếu thốn những hình thức giải trí quen thuộc. Không được du lịch khiến đôi chân như thừa ra, không được lê la quán xá khiến nhạt mồm nhạt miệng. Bởi con người đi chơi, tiếp xúc với nhau không chỉ để check-in, review quán xá mà bản chất là để thực hiện nhu cầu được thể hiện bản thân và quý trọng. Đây là hai nhu cầu cao nhất trong tháp nhu cầu Maslow.
Cách sống tích cực
Để sống đủ, hãy thử tìm niềm vui trong những thứ nhỏ bé, đơn giản. Dưới đây là một số cách tôi thường làm:
Học cách biết ơn mỗi ngày khi bắt đầu thức dậy và trước khi ngủ.
Buổi sáng, tôi thường dành vài phút nghĩ về những điều tích cực. Trước khi đi ngủ, tôi nghĩ về những điều tốt đẹp diễn ra trong ngày. VD: có thời gian tôi cảm thấy công việc rất stress, chỉ muốn ngày kết thúc thật nhanh. Hôm đó, trước khi đi ngủ, tôi bắt đầu nghĩ khác đi, rằng đây có thể là một cơ hội học hỏi. Dù công việc có thuận lợi hay không, điều quan trọng nhất là sau sự việc đó, tôi đã rút ra được bài học cho mình
Liệt kê những hoạt động bình thường và trân trọng khoảnh khắc đó.
Thời gian làm việc tại nhà, tôi rất thích. Nếu luôn tiếc nuối vì không được đi du lịch hay đi chơi, chắc có lẽ tôi sẽ không thể ở nhà lâu đến vậy. Hiện tại vợ chồng tôi đang thuê căn hộ. Đây là lúc chúng tôi sử dụng hết công năng của một “món đồ” mà hàng tháng tốn nhiều ngân sách chung nhất. Vì vậy, tôi trân trọng thời gian ở nhà.
Thỏa hiệp với tiện nghi
Để sống đủ về mặt tinh thần, con người cần thỏa hiệp với sự tiện nghi. Đôi khi việc mua sắm chỉ để thỏa mãn cảm giác sở hữu và “phòng khi cần đến”. Ví dụ, có đợt tôi suy nghĩ đến việc mua máy làm mì. Sau đó, tôi đọc review và cân nhắc lại về mức độ sử dụng của hai vợ chồng. Tôi quyết định không mua nữa. Những lần sau, khi cần ăn phở, bún, mì, tôi sẽ mang hộp đi mua sợi tươi. Tôi cũng thường chuẩn bị sẵn túi riêng và các loại hộp lớn nhỏ khi mua đậu phụ, thịt, cá và các loại hạt. Việc này không hề tiện chút nào, nhưng tôi thấy như vậy là đủ. Nhà tôi không cần thêm rác thải nhựa.
3. Đủ bản lĩnh
Có đủ bản lĩnh để theo đuổi lối sống vừa đủ là yếu tố cuối cùng nhưng cũng là yếu tố quan trọng nhất. Bởi điều quan trọng là chúng ta có thể duy trì một lối sống đủ lâu để nó trở thành thói quen. Cuộc sống bận rộn khiến chúng ta có nhiều lý do biện minh cho sự thỏa hiệp. Một năm không chỉ có một mùa sale, nhưng nếu đã biết đủ, đó chẳng phải cái cớ để chúng ta lao vào những cuộc săn deal. Giá rẻ không chỉ “hủy diệt” ví tiền, mà còn “hủy diệt” chính bạn.
Biết đủ là một hành trình khám phá bản thân, hiểu và định vị chính mình. Mượn tiêu đề sách nổi tiếng của Niki Brantmark về lối sống Lagom “Biết đủ mới là tự do”, tôi hi vọng chúng ta biết đủ, để tự do và hạnh phúc.
Leave a Reply