2 năm du học ở Thụy Điển đã cho mình cơ hội trải nghiệm ngày Quốc khánh của đất nước này và các nước láng giềng. Cùng thuộc khối Scandinavia, nhưng cách ăn mừng Quốc khánh của các nước rất khác nhau. Người Na Uy tràn ra đường trong sắc đỏ quốc kỳ, hát vang reo hò trong ngày 17 tháng Năm. Du khách đến Đan Mạch ngày 5/6 sẽ được trải nghiệm vô số festival đường phố đầy màu sắc. Ngược lại, người Thụy Điển lại tỏ ra rất hờ hững với Quốc khánh.
Quốc khánh Thụy Điển
Ngày Quốc khánh Thụy Điển là ngày 6 tháng 6 hàng năm.
Trong khi nhiều quốc gia lâu đời trong khối Scandinavia có ngày Quốc khánh từ lâu, Thụy Điển mới chỉ có ngày này từ năm 1983. Lý do ra đời cũng vô cùng lãng xẹt. Các chính trị gia chọn một ngày vì cảm thấy “kém miếng khó chịu” khi “người hàng xóm Na Uy” ăn mừng Quốc khánh quá tưng bừng. Trước đó, ngày này chỉ được nhớ đến một cách mơ hồ. Họ có thể nhớ 6/6 là ngày Quốc kỳ, ngày Lập Hiến, ngày Vua Gustav Đệ Nhị lên ngôi… Nhưng ít ai giải thích được vì sao ngày 6/6 lại trở thành ngày Quốc khánh.
Sở dĩ họ không nhớ vì ngày này không mang tính khai sinh đất nước. Thụy Điển đã yên bình và không chịu ảnh hưởng chiến tranh từ rất lâu nên ít ai nhớ được. Sự kiện lịch sử mang tính khai sinh nhất có lẽ là sự độc lập cách đây gần 500 năm. Khi đó Quốc gia này được tách khỏi Hiệp hội Kalmar – tiền thân của các nước khu vực Bắc Âu, lúc ấy do Đan Mạch nắm quyền.
Người dân Na Uy ăn mừng ngày Quốc khánh 17 tháng Năm tại Stockholm (Photo: Frankie Fougathin)
Tuy đã chọn ngày Quốc khánh chính thức từ năm 1983, nhưng đây chưa phải ngày nghỉ lễ. Đến tận năm 2005, người dân Thụy Điển mới coi ngày mùng 6 tháng Sáu như một ngày Quốc lễ. Tuy nhiên, sự quan tâm của người dân với Quốc khánh vẫn kém xa nhiều ngày lễ khác trong năm. Họ thường thích ăn mừng Giáng sinh, ngày lễ thánh Lucia, lễ Phục sinh, lễ hội Valborg, hay Trung Hạ Midsommar.
Cách người Thụy Điển ăn mừng Quốc khánh
Nếu được hỏi về ý nghĩa ngày Quốc khánh, nhiều người dân Thụy Điển sẽ không thể trả lời. Họ có thể chỉ nhớ đó là ngày Gustav, và Gustav là tên một vị vua. Sự bối rối này khiến họ không mấy hào hứng khi ăn mừng Quốc khánh. Ngoài sự kiện Fika Ceremony hàng năm tại Tòa thị chính thủ đô Stockholm để trao quyền công dân chính thức cho người nhập cư, các thành phố không có hoạt động gì đáng kể. Hầu hết mọi người chỉ ở nhà với gia đình, gặp bạn bè tán gẫu như ngày nghỉ bình thường.
Thụy Điển cũng không hề có chính sách nghỉ bù. Nghĩa là nếu ngày lễ rơi vào cuối tuần, bạn không được nghỉ thêm như ở Việt Nam. Vì vậy, người dân Thụy Điển thường ca thán nếu ngày này rơi vào cuối tuần. Hơn nữa, ngay khi ngày 6 tháng Sáu hàng năm được lựa chọn trở thành Quốc lễ, một ngày lễ khác đã bị xóa bỏ. Điều này đồng nghĩa với việc họ sẽ có ít ngày nghỉ hơn, cuối tuần ngắn hơn. Lý do thực tế đó phần nào lý giải vì sao người Thụy Điển hờ hững với ngày Quốc khánh.
Với họ, Lễ Trung Hạ (Midsommar), tổ chức vào tuần cuối cùng của tháng Sáu, còn mang màu sắc Quốc khánh hơn. Vào ngày này, những hoạt động nhảy múa quanh cây nêu, trẻ em mặc quốc phục, đội vòng hoa… được diễn ra tại khắp các thành phố, trị trấn, làng mạc và mang đậm màu sắc truyền thống Thụy Điển.
Văn hóa lagom và tục phất cờ ngày Quốc khánh
Có thể lý giải việc người dân cảm thấy ngại ngùng khi phất cờ ngày Quốc khánh theo hai cách.
Thứ nhất, từ lâu văn hóa lagom đã trở thành lối sống và kim chỉ nam cho mọi suy nghĩ và hành động của người dân Thụy Điển. Lagom tức là vừa đủ. Họ hiếm khi dùng những từ ngữ mạnh mẽ, hùng hồn hay hành động quyết liệt. Việc treo cờ có thể cũng nằm trong danh sách “những điều vượt quá lagom”.
Thứ hai, hành động phất cờ hoặc chủ nghĩa yêu nước thái quá thường được xem như biểu hiện của sư phân biệt chủng tộc. Điều này đi ngược tôn chỉ của đất nước bình đẳng, luôn chào đón người nước ngoài này. Do đó, quốc kỳ Thụy Điển hoàn toàn có thể phủ kín khán đài một trận bóng mà Zlanta Ibrahimović ra sân hay phấp phới trên sân khấu Cuộc thi Eurovision, nhưng lại vô cùng hiếm hoi trong Quốc khánh.
Nếu đến Bắc Âu vào một ngày tháng Sáu, đừng ngạc nhiên vì sự vắng vẻ
Tháng Sáu vừa là tháng nghỉ lễ, vừa là tháng nghỉ hè. Do vậy, các gia đình sẽ đưa con cái về vùng quê hoặc summer house nghỉ dưỡng. Bạn vẫn có thể trải nghiệm không khí ngày Quốc khánh tại Bảo tàng ngoài trời Skansen tại thủ đô Stockholm. Hoặc nếu ở nhà, bạn có thể theo dõi kênh truyền hình quốc gia vào lúc 8 giờ tối.
Mình từng đón Quốc khánh ở vùng quê Thụy Điển. Hoạt động vui chơi được diễn ra gọn nhẹ trong một bảo tàng ngoài trời nhỏ. Trẻ con có thể mặc trang phục truyền thống rất đáng yêu và chơi nhiều trò chơi dân gian. Trời tối, mọi người về nhà nấu thịt viên và khoai tây ăn mừng nhẹ nhàng.
Ngày Quốc khánh trôi qua giản dị và lagom vậy thôi. Bạn có thể xem thêm bài viết về lễ hội Trung hạ (Midsummer) để cảm nhận Mùa hè thiên đường ở Bắc Âu nhé!
Leave a Reply