Bài viết về Học bổng Chính phủ SI thuộc tuyển tập ‘Tôi nói về Du học Thụy Điển‘ được đăng trên Fall in Fika do nhiều tác giả thực hiện. Chân thành cảm ơn các tác giả và Mạng lưới cựu sinh viên Thụy Điển tại Việt Nam.
Hình thức, thời gian nộp hồ sơ cho học bổng trong bài chỉ áp dụng cho năm mà tác giả apply học bổng. Để biết thông tin chính xác về học bổng SI, vui lòng truy cập Study in Sweden.
Chào các bạn,
Mình là Hà An, Thạc sĩ ngành Strategic Communication tại trường ĐH Tổng hợp Lund, Thụy Điển. Mình nhận học bổng SI năm 2017 cho chương trình học 2 năm. Bài viết này hoàn toàn là ý kiến chủ quan của mình. Bài không phản ánh ý chí của SI hay bất kỳ một cơ quan Thuỵ Điển nào và cũng không có bất kỳ bảo đảm nào.
Lời nói đầu
Trước khi bắt đầu lên kế hoạch du học, tìm hiểu về các học bổng nói chung và học bổng SI nói riêng, có 3 điều bạn cần có câu trả lời rõ ràng và chắc chắn: (1) Kinh nghiệm làm việc, (2) Lý do đi học, (3) Kế hoạch sau tốt nghiệp. Nếu các câu trả lời đồng nhất với nhau và thuyết phục được bản thân bạn là “Mình phải đi học thôi!” thì bạn có thể bắt đầu rồi đấy. Bài viết này sẽ giúp bạn có các thông tin khái quát và một vài insights về học bổng SI.
Về Học bổng Chính phủ SI
Swedish Institute Scholarships for Global Professionals (trước đây có tên gọi Swedish Institute Study Scholarships – SISS) có lẽ là học bổng có giá trị lớn nhất, danh giá nhất và được trao bởi tổ chức giáo dục uy tín nhất Thụy Điển.
Mình sẽ chia sẻ những điều mà mình quan sát được trong quá trình hoàn thành hồ sơ (SI 2017-2018) để các bạn tham khảo nhé!
Những đặc quyền của Học bổng SI
Là một SI Scholarship holder (người được học bổng SI), bạn sẽ nhận được rất nhiều đặc quyền mà không một học bổng nào của Thụy Điển có thể cung cấp, đó là:
- Là thành viên trọn đời của Mạng lưới Lãnh đạo Toàn cầu Thuỵ Điển. Điều này đồng nghĩa bạn có cơ hội tham gia các hội thảo/lễ hội chuyên đề khắp Thuỵ Điển, đôi khi còn được tài trợ chi phí đi lại, ăn ở.
- Dự lễ nhận học bổng, tốt nghiệp tại Tòa thị chính tại Thủ đô Stockholm cùng tất cả các SI holders trên cả nước.
- Được dẫn legally married partner (vợ/chồng/đối tác có đăng ký kết hôn hợp pháp) hoặc coapplicant theo. Người này được học bất kỳ chương trình nào trong thời gian SI holder học.
- Được miễn nhiều loại phí hành chính như phí làm và gia hạn Thẻ cư trú, …
- Được ưu tiên hơn khi thuê nhà
Còn rất nhiều đặc quyền khác mà mình chưa khám phá hết. Các bạn cựu SI hoặc đã và đang học tập tại Thụy Điển có thể bổ sung thêm nhé!
Cần làm gì để ứng tuyển cho Học bổng SI
Giờ thì chúng mình sẽ đi vào serious business đây. Để ứng tuyển Học bổng SI, bạn cần:
- Đọc toàn bộ những thông tin/yêu cầu/hướng dẫn của SI.
- Đọc thật kỹ toàn bộ những thông tin/yêu cầu/hướng dẫn của SI
- Xin chứng nhận (có chữ ký và mộc) số giờ làm việc và số giờ lãnh đạo từ một/những cơ quan bạn từng/đang làm.
Đây là phần mình thấy nhiều bạn hay gặp trục trặc bởi bạn không biết xin ở đâu và như thế nào. Hãy nhớ lại trường đại học nơi bạn đã từng làm chủ tịch câu lạc bộ hay bí thư. Hay cơ quan hiện tại đang làm việc hoặc bất kỳ tổ chức nào trong CV. Miễn là tổ chức đó có thể chứng minh thời gian làm việc và khả năng lãnh đạo của bạn. Hãy định trước xem bạn sẽ lấy những chứng nhận trên bằng cách nào. Nếu điều này thật sự không khả thi thì bạn nên cân nhắc việc theo đuổi SI.
Quy trình và các ngày quan trọng
Các thời hạn của SI và trường không quá gấp gáp. Nếu các bạn chú tâm và quyết tâm thì bạn vẫn có thể chuẩn bị tốt kể cả bận rộn. Hãy làm từng bước một: tập trung chọn ngành, chọn trường, xây dựng hồ sơ. Xong xuôi rồi hẵng trả lời các câu hỏi của vòng 2.
SI thông báo kết quả vòng 1 trước hạn cuối đóng phí xét tuyển trường. VÌ vậy, nếu việc đi học của bạn hoàn toàn phụ thuộc vào kết quả học bổng thì các bạn có thể đợi một chút rồi hẵng nộp phí xét tuyển. Tuy nhiên, nếu bạn rất muốn du học thì ngoài SI, bạn nên apply các học bổng của trường. Học bổng của trường vui lòng xem tại website của trường bạn ứng tuyển.
Trước ngày hết hạn ứng tuyển cho trường, bạn có thể thoải mái đăng ký/chỉnh sửa các nguyện vọng. Mỗi hồ sơ được đăng ký tối đa 4 nguyện vọng, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên.
Deadline của university admission application sẽ đến trước. Khoảng 2 tuần sau mới đến Deadline for submitting all supporting documents and application fee. Tức là sau khi chốt các nguyện vọng, bạn có thêm 2 tuần chuẩn bị và hoàn tất hồ sơ. Thông tin này rất đơn giản nhưng hồi đó mình bị hồi hộp nên cứ lo loạn lên. Giờ mình note lại ở đây để các bạn sẽ không giống mình. Lời khuyên là nên ghi các deadlines ra để tiện theo dõi. Hãy làm lần lượt từng bước một, làm đến đâu chắc đến đó, tránh trùng lặp hoặc thiếu sót.
Chiến lược chọn ngành học
Vì sao chọn ngành mà cũng cần phải có chiến lược? SI xét kinh nghiệm làm việc và khả năng lãnh đạo/dẫn đầu. Trường xét lý lịch bằng cấp của bạn tại trường đại học, sự phù hợp với ngành nghề bạn chọn. Hai bước này quan trọng y như nhau. Thậm chí, chọn được chương trình học phù hợp và có chiến lược là yếu tố tiên quyết nếu bạn muốn giành học bổng.
Mình sẽ chia chiến lược chọn ngành học ra thành hai bước:
Bước 1: Chọn ngành để có ít nhất 1 hồ sơ đạt yêu cầu
(to be qualified)
Nếu các bạn có bằng cấp và mong muốn tiếp tục được theo đuổi các ngành chuyên biệt như CNTT, Sức khoẻ & Y tế, Lý, Hoá, Toán, Sư phạm, Tài chính … thì chúc mừng bạn. Việc của bạn là tập trung vào việc tìm trường, nghiên cứu đề cương giảng dạy của Khoa. Bạn dễ dàng chọn được nơi “trao thân” phù hợp.
Nếu bạn KHÔNG mong muốn tiếp tục ngành cũ và có NHIỀU kinh nghiệm ở một ngành khác thì việc lựa chọn ngành sẽ công phu hơn xíu. Ví dụ, nhiều bạn học ngành kinh tế có nhiều tín chỉ về management bất kì có thể sẽ muốn chuyển hướng sang ngành xã hội. Tuy nhiên, bạn nên có kinh nghiệm (VD: bạn học Kinh tế nhưng đã chạy nhiều dự án cộng đồng cho NGO chẳng hạn). Trong trường hợp này bạn cần:
> Đọc kỹ và đối chiếu các yêu cầu tuyển sinh của ngành với bảng điểm Đại học của bạn.
Hãy xem mình có các môn học nào đáp ứng được các yêu cầu tối thiểu. Mình thấy các ngành càng tổng quát và có liên quan đến quản lý, chiến lược, chính sách thì càng có nhiều cơ hội đi trái ngành hơn.
> Liên hệ với Điều phối viên của chương trình (Study Coordinator).
Trình bày rõ ràng lý lịch, hoàn cảnh, lý do và xin họ cho lời khuyên. Nếu họ nói bạn không hợp (và giới thiệu 1 ngành khác tại trường họ) thì bạn nên chuyển hướng. Nếu mà họ nói còn tuỳ vào hồ sơ của bạn thì mình tính tiếp. Email cho điều phối rất thích bởi mọi thắc mắc đều được giải đáp. Có khi bạn còn được biết thêm về các quy định tuyển sinh/xét hồ sơ nữa. Hơn nữa, bạn có thể biết mức độ quan tâm của điều phối và trường đối với các ứng viên.
Bước 2: Chọn ngành để tăng cơ hội được chọn
(to be admitted)
Hãy đọc kỹ yêu cầu tuyển chọn sinh viên. Nếu chỉ là bảng điểm và trình độ tiếng Anh thì điểm của bạn phải thật cao. Nếu điểm bạn chỉ vừa phải thì hãy chuyển hướng sang các trường cho phép bạn chứng minh năng lực và sự phù hợp bằng CV, thư giới thiệu, Statement of Purpose …
Lĩnh vực SI khuyến khích mấy năm qua thường là Equality, Innovation, Sustainability, Education, Health, Management. Lĩnh vực này phản ánh quan tâm của chính phủ Thuỵ Điển đối với sự phát triển xã hội, kinh tế, và môi trường ở xã hội Việt Nam.
Phần 2 mình sẽ nói về cách để có hồ sơ thuyết phục.
Phần 3 mình sẽ phân tích và giải thích kỹ hơn về Chiến lược chọn ngành học. Đặc biệt, những bạn muốn học trái ngành hoặc điểm GPA không được cao hoàn toàn có cơ hội. Nếu các bạn có câu hỏi hay chia sẻ gì hãy comment hoặc gửi tin nhắn cho mình nhé. Mình sẽ rất vui được chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức của mình về việc xin học bổng, đi du học, cũng như về đất nước Thuỵ Điển với mọi người.
HẾT PHẦN 1
Tác giả: Nguyễn Hà An – Thạc sĩ trường Lund, Thụy Điển
Bài gốc | Hiệu chỉnh: Fall in Fika
Nhi says
Chào chị, em thấy học bổng yêu cầu ứng viên phải có trách nhiệm/khả năng trả tuition fee nếu được admission từ university. Điều này có nghĩa là em phải chứng minh mình đủ tiền để trả học phí ngay cả khi chưa biết kết quả học bổng phải không ạ?
Fall in Fika says
Hi em,
Sorry đã trả lời em hơi trễ. Hiện tại đã có kết quả admission rồi, hi vọng em đã được nhận vào trường. Khi được admission, các bạn sẽ cần chứng minh khả năng trả học phí. Nếu em được học bổng 100% học phí, em sẽ chỉ cần chứng minh chi phí sinh hoạt là 8568SEK/tháng x số tháng cần apply. Còn nếu em không được 100% học phí, thì em sẽ phải chứng minh khả năng chi trả học phí bằng hình thức:
– Đóng học kỳ từng kỳ, hoặc theo phần còn lại sau khi trừ học bổng.
– Chứng minh tài chính để có thể tiếp tục đóng kỳ tiếp.
Chúc em thành công nhé.
Chloe Nguyen says
Em cảm ơn chị vì những bài viết bổ ích. Em có 1 câu hỏi như sau:
Em tốt nghiệp cử nhân Hoá Học. Hiện tại, em muốn chuyển sang khối ngành kinh tế. Nếu em học Đại học bên Thuỵ Điển và sau đó apply học bổng SI để tiếp tục học master được không ạ?
Fall in Fika says
Hi Chloe,
Theo chị biết học bổng SI chỉ dành cho sinh viên quốc tế đang học ở các nước ngoài Thụy Điển. Nếu em đã tốt nghiệp cử nhân hóa học tại Việt Nam và có đủ số giờ kinh nghiệm, em có thể apply SI luôn. Nếu muốn chuyển ngành thì em cần tích lũy đủ số lượng tín chỉ ngành đó yêu cầu (cái này em đọc kỹ requirement của chương trình học mà mình apply để biết nhé).