Năm nay tròn 10 năm mình bắt đầu sống xa nhà. Với mình, đây là giai đoạn trưởng thành và có nhiều thay đổi lớn nhất trong cuộc đời như thi đại học, đi làm, hẹn hò, đi du học, lập gia đình và chuẩn bị có con. Nhìn lại quãng thời gian mang tính định hình cuộc sống, mình nhận ra nhiều bài học quý giá.
Sự trưởng thành không nằm ở số tuổi
Chúng ta ai cũng lớn lên, già đi theo thời gian. Tuy nhiên, mức độ trưởng thành của mỗi người là khác nhau. 10 năm chỉ là mốc thời gian vật lý chứ không đồng nghĩa với sự trưởng thành tâm lý. Càng gặp nhiều người, mình càng học được cách tôn trọng sự khác biệt về văn hóa, lối sống, quan điểm bởi 10 năm của họ hoàn toàn khác 10 năm đã qua của mình. Vì vậy, mình thường tránh những cuộc tranh cãi để giành phần thắng mà chỉ dừng lại ở việc chia sẻ quan điểm cá nhân.,
Giới tính nào cũng cần biết nấu ăn cơ bản
Mình chưa từng nghĩ đến điều này khi còn sống chung với bố mẹ. Bởi bố mình là người đàn ông của thế hệ trước. Bố không bao giờ vào bếp. Mẹ cũng không bao giờ phàn nàn vì mẹ nấu ăn bằng tình yêu và sự thoải mái. Hạnh phúc của mẹ là được phục vụ cả nhà những bữa ăn ngon.
Khi bắt đầu sống xa nhà, mình nhận ra giới tính nào cũng cần biết nấu ăn cơ bản. Tự nấu ăn để có thể phục vụ nhu cầu ăn uống của bản thân mình chứ không phải ai khác. Đặc biệt, khi sống trong môi trường tập thể, hãy chủ động chuẩn bị phần ăn của mình để không bị phụ thuộc vào người khác. Điều này càng quan trọng khi bạn có sở thích, khẩu vị riêng khác với số đông.
Tự nấu ăn còn giúp bạn tiết kiệm. Nếu ở Việt Nam, bạn chỉ cần có một chút tiền đã có thể mua đồ ăn hoặc mì gói, thì khi học xa nhà, bạn sẽ phải làm quen với việc tính toán chi phí từng bữa ăn.
Nếu cái dạ dày không có giới tính, thì con trai hay con gái đều nên biết kỹ năng nấu nướng cơ bản.
Quản lý bản thân là kỹ năng quản lý quan trọng nhất
Sống xa nhà, mình học được nhiều kỹ năng quản lý quan trọng. Quản lý tài chính, quản lý thời gian, quản lý các mối quan hệ hay công việc đều rất cần thiết. Tuy nhiên, sau 10 năm nhìn lại, mình thấy quản lý bản thân là kỹ năng quan trọng nhất.
Vì sao quản lý bản thân quan trọng?
Các kỹ năng quản lý khác mà mình nhắc đến ở trên đều đòi hỏi sự áp dụng kiên trì. Ví dụ kỹ năng quản lý thời gian, mình từng thử nhiều phương pháp như pomorodo, lập bảng kế hoạch theo ưu tiên, dùng ứng dụng chặn mạng xã hội để tập trung, v.v. Kết quả là không phương pháp nào thành công cho đến khi mình thực sự hiểu vì sao mình cần phải tận dụng thời gian để hoàn thành công việc. Nói cách khác, mình học cách quản lý bản thân để hoàn thành công việc đúng thời hạn.
Tương tự với kỹ năng quản lý tài chính cá nhân. Mình từng áp dụng nhiều mẹo phân quỹ và các ứng dụng quản lý chi tiêu. Tuy nhiên, chỉ được vài tháng mình lại bỏ cuộc. Sau này khi đã hiểu quản lý tiền không chỉ là thắt chặt chi tiêu, tiết kiệm, mà còn phải tìm cách để tiền đẻ ra tiền, cố gắng gia tăng thu nhập từ nhiều hơn một nguồn, mình mới dùng các loại thẻ, ứng dụng và vận dụng nguồn tiền hợp lý hơn. Nói cách khác, mình quản lý được bản thân để cân bằng tài chính cá nhân.
Quyết định của mình, trách nhiệm của mình
Khi sống xa nhà, chúng ta phải đưa ra những quyết định của riêng mình. Các quyết định này ban đầu rất nhỏ. Ví dụ như chọn mua một chiếc áo ấm, lên kế hoạch nấu nướng, chọn nơi thuê nhà. Sau đó bạn sẽ dần có những quyết định quan trọng hơn. Chẳng hạn như chọn bạn để chơi, chọn nơi để học, tìm kiếm những cơ hội, và biết từ chối những cái xấu để bảo vệ mình.
Quá trình đưa quyết định, bạn có thể tham khảo gia đình, bạn bè. Tuy nhiên, bạn là người cuối cùng đưa ra quyết định và có trách nhiệm với quyết định đó. Một vài lần quyết định sai, bạn sẽ học được cách không đổ lỗi cho ai cả.
Mình may mắn được tự quyết định khá nhiều thứ. Bố mẹ mình tin tưởng và tôn trọng mọi quyết định của mình. Điều này giúp mình có được sự tự tin và cẩn trọng trước mỗi lần đứng trước các lựa chọn.
Đọc thêm: Mình chọn du học Thụy Điển
Networking cực kỳ quan trọng
Nối tiếp bài học ở trên, mình muốn kể về một trong những quyết định mình đưa ra năm 18 tuổi. Đó là mình muốn thi vào Học viện Ngoại giao. Lúc đó, có nhiều người phản đối vì định kiến phải quen biết mới xin được việc. Nhà mình lại chẳng có ai làm công chức nhà nước chứ đừng nói làm trong ngành Ngoại giao. Tuy nhiên, bố mẹ mình vẫn ủng hộ quyết định của con gái.
Câu chuyện này tưởng chừng sẽ phủ nhận chuyện “quen biết thì mới xin được việc” nhưng lại không phải vậy. Bố mẹ dạy mình rằng vì con tự thân vận động, nên mình hiểu việc xây dựng một mạng lưới quen biết là rất quan trọng. Mỗi một người bạn, một mối quan hệ mới đều giúp mình mở mang tầm nhìn và đa dạng hóa kiến thức. Không cần là một người quá quảng giao, nhưng nên có một mạng lưới những mối quan hệ chất lượng để học hỏi.
Mình không ngần ngại hỏi xin sự trợ giúp khi cần từ mạng lưới. Đồng thời, mình chủ động đề nghị giúp đỡ những người khác với tinh thần pay it forward.
Nên có bạn và có bạn thân
Khác với các mối quan hệ nói chung, bạn và bạn thân mang lại cho mình những điểm tựa tình cảm. Khi chuyển đến một nơi ở mới, một thành phố mới, một trong những điều đầu tiên mình làm đó là kết bạn. Đó có thể là bạn học, bạn cùng nhà, bạn cùng công ty. Bạn là những người ở gần, hiểu cuộc sống hiện tại. Bạn có thể giúp chúng ta trong những lúc cần thiết.
Mình nhớ có đợt mình viết khóa luận điên cuồng. Chẳng có thời gian nấu nướng tử tế, người mình xanh xao như con nhái. Một anh người Hàn cùng tầng đã chia một phần cơm trộn cực ngon và dúi vào tay mình vài viên vitamin để giữ sức. Bát cơm đấy mình nhớ mãi.
Nếu bạn may mắn có được một vài người bạn thân nữa thì thật tuyệt. Với mình, bạn thân là người có thể không cần ở gần, nhưng có thể chia sẻ nhiều chuyện riêng tư. Bạn hiểu, lắng nghe, thậm chí mắng mình. Với nhiều người, bạn thân còn hiểu mình hơn chính mình.
Gia đình là điểm tựa
Sống xa nhà lâu, mình nhận ra gia đình luôn là điểm tựa bền bỉ nhất. Đó là nơi cuối cùng tìm có thể tìm về, được bao bọc, chở che như đứa trẻ. Gia đình có thể là gia đình huyết thống (tức là bố mẹ đẻ ra mình), hoặc một gia đình không cùng huyết thống nhưng bạn cảm thấy mình là một phần trong đó.
Mình tin không ai muốn trở thành người đơn độc, luôn phải gồng mình lên gánh vác mọi thứ. Vì vậy, hãy tìm sẵn một nơi được gọi là điểm tựa, là gia đình để bạn có thể trở về.
Điểm tựa của mình là bố mẹ. Ngày mình bắt đầu sống xa nhà, mình mới chỉ 18 tuổi. Tính bố mẹ khá trẻ trung, hiện đại nên mình chưa bao giờ cảm thấy bố mẹ đã già ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, 10 năm qua mình trưởng thành khôn lớn là 10 năm bố mẹ già đi rất nhiều.
Mình nhận ra điều này trong lần gặp bố ở sân bay Copenhagen. Khi đó, bố mẹ mình sang dự lễ tốt nghiệp con gái. Bình thường gọi điện thoại đường truyền tốt lắm cũng không thể thấy da bố sạm đi, tóc bố bạc nhiều đến vậy. Mẹ cũng đã hằn những nếp nhăn, râu rồng rất rõ. Dù mình thấy chúng khá hài hòa trên gương mặt của mẹ. Số lần mình gặp bố mẹ hàng năm cứ vơi dần. Mỗi lần được thấy bố mẹ trực tiếp, mình lại không thể phủ nhận sự thật: bố mẹ đang ngày một già đi.
Giờ đây, khi đã lập gia đình riêng và chuẩn bị làm cha làm mẹ, mình càng muốn nhắn nhủ một điều:
Nếu bạn có thể về nhà, hãy tranh thủ dành thời gian cho bố mẹ thật nhiều. Bới quỹ thời gian đó, đang ngày một cạn đi.
Tổng kết
Challenge #howmuchhaveyouchanged cho mình nhìn lại chặng đường 10 năm sống xa nhà. Mình thầm cảm ơn quãng thời gian này đã giúp mình trưởng thành và trải qua nhiều cột mốc quan trọng trong cuộc đời như thi Đại học, đi làm, đi du học, lấy chồng và chuẩn bị sinh con. Điều làm mình vui nhất đó là mình không hối hận gì trên hành trình đó.
Bạn có thể đọc thêm về bài #howmuchhavewechanged mình viết về tình yêu của mình và chồng. 10 năm qua thì đã có 9 năm là quen anh rồi.
10 năm của bạn như thế nào? Chia sẻ cho mình biết nhé!
Leave a Reply