Sau lễ kỷ niệm 100 năm NXB Simon & Schuster, nhà văn Thuỵ Điển Frefrik Backman xúc động chia sẻ: “Tôi đến từ một đất nước nhỏ, ngôn ngữ thiểu số, vì vậy tôi luôn cố gắng nói về văn học vùng Scandinavia nhiều nhất có thể mỗi khi ra ngoài.” Dòng chảy văn học Thuỵ Điển, một đất nước Bắc Âu xa xôi, đã len lỏi như con suối nhỏ trong khu rừng văn học Việt Nam nhiều năm nay.
Hôm nay nhân ngày Quốc khánh Thụy Điển mùng 6 tháng 6, mình xin chia sẻ về niềm đam mê của mình với văn học Thụy Điển thông qua một số tác phẩm được yêu thích bởi sự hài hước, dí dỏm đầy mê hoặc và những giá trị nhân văn sâu sắc.
Văn học thiếu nhi trong sáng
Có thể bạn đã từng đọc hoặc nghe đến “Pippi Tất Dài” – cô bé tinh nghịch, dũng cảm chinh phục trái tim hàng triệu độc giả trên toàn thế giới. Người đã sáng tạo ra Pippi – tác giả Astrid Lindgren – là một trong những nhà văn viết truyện thiếu nhi nổi tiếng nhất mọi thời đại. Bên cạnh cô bé Pippi tóc đỏ, nhiều tác phẩm của bà được dịch sang tiếng Việt như “Lại là thằng nhóc Emil”, “Mio, con trai ta”, “Karlson trên mái nhà”.
Ngoài ra, nếu bạn đang tìm kiếm một cuốn sách với màu sắc cổ tích dịu dàng thì mình không thể không nhắc đến “Cuộc phiêu lưu kỳ diệu của Nils Holgersson”. Cuốn sách không chỉ đưa chú bé Nils Holgersson bay khắp Thụy Điển trên lưng ngỗng, mà còn “bay” tới hàng chục quốc gia trên thế giới. Tác phẩm này của Selma Lagerlof. Bà được mệnh danh là “nữ hoàng văn học Thuỵ Điển” bởi bà là nhà văn nữ đầu tiên nhận giải Nobel văn học trên thế giới.
Đây đều là những cuốn sách rất thích hợp làm quà tặng cho trẻ em. Bạn có thể mua tại:
- Gian hàng của Fahasa
- Pippi tất dài (tái bản 2022)
- Lại là thằng nhóc Emil (tái bản 2022)
- Cuộc phiêu lưu kỳ diệu của Nils Holgersson
Tiểu thuyết trinh thám đen tối
Nordic Noir/ Dark Crime – trinh thám là một điểm sáng trong văn học Thụy Điển, khẳng định thương hiệu đặc sản của vùng đất này. Bộ ba Millennium của Stieg Larsson với những câu chuyện ly kỳ, gay cấn về cô gái mang hình xăm rồng Lisbeth Salander đã trở thành hiện tượng toàn cầu. Truyện được chuyển thể thành phim và gặt hái nhiều thành công vang dội.
Tham khảo mua sách:
Tình yêu, tình cảm gia đình
Thể loại mình yêu thích nhất là tiểu thuyết văn học về chủ đề tình yêu, gia đình và cuộc sống của những người lớn tuổi.
Nổi bật (và nổi tiếng) trong số đó là serie của của tác giả Jonas Jonasson, gồm “Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất”, “Cô gái mù chữ phá bum nguyên tử”. Sự dí dỏm được đan cài trong câu chuyện ly kỳ của một cụ già 100 tuổi đầy cá tính hay cô gái nhập cư không được đến trường chắc chắn sẽ khiến bạn tự hỏi những nhân vật này từ đâu đến vậy. Yeah, họ từ Thuỵ Điển.
Tháng 11, hai tác phẩm mới của Jonas Jonasson cũng được ra mắt tại Việt Nam.
Quay trở lại với nhà văn Fredrik Backman mình có trích dẫn ở đầu bài. Đây là cây viết mình ngưỡng mộ và yêu mến nhất. Mình sẽ không ngần ngại giới thiệu cuốn “Người đàn ông mang tên Ove”, “Bà ngoại tôi gửi lời xin lỗi”, “Britte-Marie đã ở đây” “Thị trấn nhỏ, giấc mơ lớn” hay bất kỳ tác phẩm nào của Fredrik. Khi khiếu hài hước và sự chiêm nghiệm sâu sắc gặp nhau, bạn có thể vừa rơi nước mắt, vừa bật cười ở cùng một dòng đọc. Trang sách khép lại, nhưng câu chuyện sẽ ở lại trong trái tim của người đọc thật lâu.
Chia sẻ về tình yêu với văn học Thuỵ Điển và giới thiệu vài cuốn vậy thôi, nhưng mình khuyên các bạn phải cân nhắc thật kỹ trước khi cầm sách lên nhé! Bởi vì bạn có thể cũng phải lòng những cuốn sách giống mình đấy.
Leave a Reply